VN-Index đảo chiều lên điểm
Tài chính - Ngày đăng : 11:57, 27/03/2014
(HNMO)-Sau hai phiên giảm sâu, lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index đảo chiều lên điểm. Thanh khoản của thị trường tiếp tục ở mức cao.
Ảnh minh họa |
Mặc dù phiên hôm qua thị trường giảm điểm mạnh nhưng ở đợt khớp lệnh 1 hôm nay VN-Index đã nhích 0,88 điểm, tương ứng 0,15%, lên mức 588,94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 3,6 triệu đơn vị, tương ứng 51,179 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang đợt khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư lại bắt đầu đẩy lệnh bán ra mạnh hơn để tiếp tục thực hiện hóa lợi nhuận, do đó chỉ số chung của thị trường quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, lực xả hàng không quá mạnh nên VN-Index chỉ giảm 0,9 điểm, xuống 587,16 điểm; VN30-Index về 664,46 điểm, hạ 0,41 điểm.
So với hôm trước, độ rộng giữa cổ phiếu tăng giá và giảm giá đã co rất nhiều. Điều này cho thấy lực chốt lời của nhà đầu tư đã không còn quá mạnh. Toàn thị trường có 63 mã đi lên, 156 mã đi xuống.
Lực cung tập trung nhiều vào cổ phiếu nhỏ và vừa mà đã liên tục tăng trần trong thời gian qua. Còn tại nhóm cổ phiếu lớn, hôm nay có sự giằng co đáng kể. Nếu như BVH, CII, DXG, OGC, PNJ, PVD, SJS, SSI tăng 100-1.500 đồng/cổ phiếu thì CTG, DPM, EIB, HAG, KDC, MSN, PET, REE 100-500 đồng/cổ phiếu; FPT, GAS, HPG, STB, VCB, VIC, VNM giữ giá tham chiếu.
Do lực cung vẫn mạnh nhưng giảm nhiều so với phiên trước nên giao dịch giảm đáng kể. Tổng cộng có ngót 90 triệu cổ phiếu và 1.385 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Trên thực tế không có thông tin tiêu cực nào ảnh hưởng đến đà sụt giảm mạnh của thị trường trong hai phiên gần đây. Cả hai chỉ số lao dốc phần nhiều do biến động cung cầu, sự cộng hưởng của lực bán tại cùng một thời điểm đã khiến cho đà sụt giảm diễn ra nhanh và bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư. Lực bán ra là có chủ đích, gây sức ép trên diện rộng. Tuy nhiên, dòng tiền hiện vẫn đang luân chuyển mạnh trên thị trường khi đã có hơn 12.000 tỷ đồng tạm được chuyển nhượng sau hai phiên vừa qua.
Theo BVSC, nếu chỉ số không sớm lấy lại đà hồi phục, thị trường nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với áp lực cắt lỗ.
Trên sàn Hà Nội, tổng lượng giao dịch đạt 58,213 triệu cổ phiếu và 611 tỷ đồng. Do lực cung vẫn lấn át lực cầu nên các chỉ số tại đây đều giảm: HNX-Index hạ 0,66 điểm, xuống 89,13 điểm; HNXFF-Index về mức 90,04 điểm, hạ 0,52 điểm; HNX30-Index xuống 182,89 điểm, hạ 0,62 điểm.
Đến phiên buổi chiều, thị trường diễn biến theo hướng tích cực với lực cầu nổi trội. Nhờ đó nhiều cổ phiếu tăng giá trở lại. Thay vì chênh lệch khá lớn, số cổ phiếu tăng-giảm giá đã khá cân bằng. Đóng cửa phiên, thị trường chứng kiến 117 mã đi lên và 114 mã đi xuống.
Với sức cầu trở lại, VN-Index đảo chiều tăng 2,08 điểm, lên 590,14 điểm; VN30-Index tăng 5,02 điểm, lên 669,89 điểm. Thanh khoản tiếp tục ở mức cao với tổng cộng 151,335 triệu cổ phiếu và 2.527 tỷ đồng được sang tay.
Trái ngược với sàn TP HCM, trên sàn Hà Nội, do cổ phiếu áp giảm chiếm áp đảo (96 mã tăng , 150 mã giảm) nên các chỉ số tại đây tăng-giảm đan xen: HNX-Index hạ 0,24 điểm, xuống 89,55 điểm; HNX-Index hạ nhẹ 0,11 điểm còn 90,45 điểm trong khi HNX30-Index nhích 0,47 điểm, lên 183,97 điểm.
Chính vì cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế nên dù cổ phiếu lớn tăng giá (KLS và BVS tăng lần lượt 500 đồng và 600 đồng/cổ phiếu) cũng không thể giúp thị trường lên điểm mà chỉ bớt giảm mạnh. Toàn thị trường có 90,9 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, tương ứng hơn 983 tỷ đồng.