Điều chỉnh lương tối thiểu: Vẫn còn khoảng trống
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 27/03/2014
Theo Nghị định 182/2013/ NĐ-CP, mức LTT vùng với NLĐ làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động sẽ tăng 250.000 - 350.000 đồng (khoảng 15%) so với mức cũ. Cụ thể, vùng I tăng từ 2,35 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng, vùng II từ 2,1 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng, vùng III từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng, vùng IV tăng từ 1,65 triệu đồng lên 1,9 triệu đồng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tăng LTT là cố gắng lớn của DN và cũng là niềm vui của nhiều NLĐ.
Ảnh minh họa. |
Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, thấy rõ khó khăn trong đời sống của NLĐ cả trước, sau khi tăng LTT, CĐ rà soát, nắm bắt kỹ tình hình sản xuất của các DN, từ đó có những biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định trong DN. Cụ thể là, với những DN làm ăn suôn sẻ, CĐ không chỉ đề nghị DN thực hiện đúng quy định về điều chỉnh LTT với mức điều chỉnh cao hơn luật định, mà còn vận động DN đó duy trì hoặc tăng thêm các khoản phụ cấp cho NLĐ. Ông Đinh Quốc Toản khẳng định, hiện nay hầu hết DN trong KCN&CX Hà Nội thực hiện đầy đủ quy định điều chỉnh LTT cho CNLÐ. Từ đó, thu nhập bình quân của NLĐ đạt khoảng từ 2,9 triệu đồng đến 3,4 triệu đồng.
Chủ tịch CĐ Công ty Canon Việt Nam Phạm Thị Vân Anh cho biết, từ tháng 1 đến nay, công ty đã điều chỉnh LTT của NLĐ từ 3 triệu đồng lên 3,3 triệu đồng/ người/tháng. Bên cạnh đó, vì muốn giữ chân NLĐ, công ty cố gắng duy trì các khoản như: Tiền chuyên cần mỗi tháng 150.000 đồng tùy theo thâm niên của NLĐ; thưởng chuyên cần năm (từ 1 đến 6 năm) từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng, cùng hiện vật là bếp từ, xe máy, chuyến du lịch cho cả gia đình; hỗ trợ nuôi con nhỏ dưới 1 năm tuổi; tặng quà nhân dịp sinh nhật, lễ, Tết…
Việc tăng LTT cũng kéo theo việc đóng BHXH tăng lên theo lương. Do đó, ở nhiều DN mặc dù mức lương của NLĐ đạt cao hơn nhiều so với mức LTT, nhưng vẫn được DN quan tâm điều chỉnh theo lộ trình tăng lương của Chính phủ. Tuy nhiên, ngược lại, cũng có nhiều DN lương của NLĐ chỉ bằng, hoặc thấp hơn mức LTT, nhưng vẫn không thực hiện đúng quy định tăng lương. Có rất nhiều lý do, song chủ yếu do sản xuất ngừng trệ, doanh thu giảm khiến DN gặp khó khăn về tài chính. Chủ tịch CĐ Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây Ngô Văn Hôm cho biết, vì tình hình sản xuất giảm sút, công trình ít đi nhiều, nên dù rất muốn hỗ trợ NLĐ, bởi mức lương của họ còn thấp, nhưng DN cũng không thể có thêm khoản nào để thực hiện việc tăng lương.
Có thể nói điều chỉnh LTT là trách nhiệm và DN bắt buộc phải thực hiện. Nhưng, hiện nay đang tồn tại tình trạng, còn nhiều DN do gặp khó khăn về sản xuất không thực hiện việc điều chỉnh LTT, hoặc thực hiện kiểu đối phó như có nâng lương, nhưng cắt giảm các khoản phụ cấp, phúc lợi của NLĐ... Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, các cấp CĐ cần tăng cường giám sát, tham mưu cho DN có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế đời sống của NLĐ.
Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam) Đặng Quang Điều: Tổng Liên đoàn đã khảo sát và nhận thấy, mức LTT năm 2014 phải được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000 đến 850.000 đồng (khoảng 24-36%) thì mới có thể đáp ứng 77-84% so với nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ. Ông Điều cho rằng, cần đưa ra mốc thời gian về việc tiền LTT phải theo kịp mức sống tối thiểu. Tức là tiền LTT phải tăng lên 30%, thì đến năm 2016 tiền LTT mới đáp ứng được mức sống tối thiểu. |