Nhà đầu tư đua chốt lời, VN-Index tuột xa mốc 600 điểm
Tài chính - Ngày đăng : 12:23, 26/03/2014
Bảng giao dịch điện tử sàn TP HCM chìm trong sắc đỏ |
Trên sàn TP HCM, tại đợt khớp lệnh 1, VN-Index nhích 1,69 điểm, tương ứng 0,28%, lên 603,54 điểm. Đến đợt khớp lệnh liên tục, thị trường tiếp tục nhuộm màu xanh. Tuy nhiên, gần đến giờ nghỉ trưa, lực cung tại cổ phiếu lớn gia tăng khiến chỉ số chung đảo chiều giảm 1,88 điểm, xuống dưới mốc 600 điểm, còn 599,97 điểm; VN30-Index về mức 679,54 điểm, hạ 3,21 điểm.
Điều đáng chú ý trong phiên này là nhóm cổ phiếu ngành bất động sản lên điểm khá tốt sau khi đón nhận thông tin sẽ có 120.000 tỷ đồng đổ vào thị trường này trong thời gian tới. Một loạt cổ phiếu như DIG, KBC, HQC, HAR, PDR, VPH, VRC, DXG tăng điểm, đặc biệt LGL, NVN, QCG, SJS, VNI tăng hết biên độ cho phép. Dù cho HAG, CCL, PXL giảm điểm nhưng chiếm số nhỏ trong nhóm cổ phiếu ngành này.
Trái ngược với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng hôm nay yếu thế. Trong 6 mã niêm yết, có tới 5 mã giảm giá là CTG (mất 200 đồng/cổ phiếu), BID, EIB (cùng hạ 100 đồng/cổ phiếu), VCB hạ 500 đồng/cổ phiếu, STB cũng giảm tới 500 đồng/cổ phiếu sau khi đại hội đồng cổ phiếu Sacombank đã chấp thuận cho Southernbank sáp nhập vào Sacombank. Mã còn lại là MBB giữ giá tham chiếu. Cùng với các cổ phiếu ngân hàng trên, một số mã lớn khác cũng đi xuống như BVH, DPM, HAG, PVD, REE, VNM. Độ rộng giữa cổ phiếu tăng và giảm giá đã co so với phiên trước nhưng vẫn khá chênh lệch.
Thanh khoản trên thị trường vẫn rất tốt. Tổng cộng có 130,305 triệu cổ phiếu và 2,148 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. 3 mã đạt giao dịch lớn nhất đều là cổ phiếu bất động sản: ITA đẫn đầu với gần 12 triệu cổ phiếu; kế đến là FLC (7,58 triệu cổ phiếu), HQC (6,3 triệu cổ phiếu).
Như vậy, tiếp nối phiên hôm qua, sáng nay, thị trường tiếp tục đi xuống. FPTs nhận định, diễn biến thị trường về cuối tuần có thể sẽ là những phiên tăng-giảm nhẹ theo chiều hướng tích lũy, tuy nhiên xu thế ngắn hạn vẫn đang là đi lên. Theo đó, nhà đầu tư vẫn có thể tranh thủ các phiên điều chỉnh để tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đối với các mã có cơ bản hỗ trợ, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.
Trên sàn Hà Nội, giao dịch diễn ra sôi động với 83,083 triệu cổ phiếu và 965,229 tỷ đồng được giao dịch thành công. Với lực cầu chiếm ưu thế, hết phiên sáng, các chỉ số chủ chốt tại đây đều tăng điểm: HNX-Index nhích 0,26 điểm, lên 91,38 điểm; HNXFF-Index đạt 92,31 điểm sau khi tăng 0,17 điểm; HNX30-Index ghi 0,62 điểm, đạt 187,38 điểm…
Đến phiên buổi chiều, diễn biến trên thị trường hoàn toàn khác. Từ khoảng 14h, nhà đầu tư đua nhau đặt lệnh bán ra để thực hiện hóa lợi nhuận, do đó, cổ phiếu ào ào xuống giá. Toàn thị trường có tới 202 mã đi xuống, nhiều gấp hơn 3 lần số mã đi lên (55 mã). Đáng chú ý, nhiều mã thuộc ngành bất động sản lên giá rất tốt ở phiên sáng thì đến chiều cũng đảo chiều đi xuống. Tại nhóm cổ phiếu tính VN30, chỉ duy nhất PGD tăng giá, 6 mã giữ giá tham chiều, còn lại đều xuống giá; trong đó không thể không kể đến MSN, HAG, VNM, SSI, CTG, VCB, BVH, DPM…
Lực cung dồn dập khiến thị trường giảm điểm mạnh. Đóng cửa phiên, VN-Index hạ 13,79 điểm, tương ứng 2,29%, xuống 588,06 điểm; VN30-Index giảm tới 17,88 điểm (-2,62%), còn 664,87 điểm.
Giao dịch trong buổi chiều tiếp tục sôi động giúp tổng lượng giao dịch toàn phiên đạt 259,085 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 4.309 tỷ đồng.
Tổng lượng cổ phiếu và giá trị chuyển nhượng tại sàn Hà Nội cũng đạt rất lớn với 160,393 triệu cổ phiếu và 1.839 tỷ đồng. Như vậy, hôm nay thanh khoản trên hai thị trường đạt rất cao, lên tới hơn 6.100 tỷ đồng, con số này chỉ thấp hơn phiên hôm qua và phiên kỷ lục gần 7.000 tỷ đồng ghi nhận ngày 21/3 vừa qua.
Sàn Hà Nội cũng chịu áp lực chốt lời mạnh. Do đó, dù tăng điểm trong phiên sáng nhưng đến chiều tất cả các chỉ số đều quay đầu đi xuống: HNX-Index hạ 1,33 điểm, còn 89,79 điểm; HNXFF-Index về mức 90,56 điểm sau khi hạ 1,58 điểm; HNX30-Index giảm 3,26 điểm, xuống 183,5 điểm.