Xử lý ”cát tặc”: Vẫn loay hoay, lúng túng

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 26/03/2014

(HNM) - Hoạt động khai thác, buôn bán cát trái phép tại các tuyến sông trên địa bàn Hà Nội không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, hư hỏng công trình đê điều...

Bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dưới chân cầu Thăng Long, thuộc xã Võng La (Đông Anh). Ảnh: Hoài Thu
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, trên các tuyến đê sông Đà, sông Hồng, Vân Cốc, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ đang tồn tại 205 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó 31 bãi có phép, 174 bãi sai phép và không phép. Đê hữu Hồng có số lượng bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng sai phép, không phép nhiều nhất 97/112 bãi; các đê tả Hồng 26/28 bãi sai phép, không phép; tả Đuống 22/26 bãi không phép; tả Đáy 12/12 bãi không phép, Vân Cốc 11/11 bãi không phép...

Nạn khai thác cát trên sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ... ở Hà Nội hiện đã giảm rất nhiều kể từ khi cơ quan chức năng vào cuộc, bắt giữ, truy tố 7 bị can tổ chức hút cát trái phép ở huyện Thường Tín. Tuy nhiên, hằng ngày, dọc các tuyến sông vẫn có hàng nghìn khối cát không rõ nguồn gốc qua mặt cơ quan chức năng tuồn vào các công trình xây dựng. Điều đó, cho thấy tình trạng khai thác, mua bán cát trái phép vẫn chưa được xóa sổ. Qua thị sát trên tuyến đê sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm, Đông Anh..., chúng tôi bắt gặp nhiều xe tải nối đuôi nhau chở cát lậu trên đê. Các xe tải này đều được che bạt nhưng vẫn làm rơi vãi ra đường, rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Đan Phượng, mặt đê bị biến dạng, hư hỏng do hằng ngày phải oằn mình "cõng" hàng trăm lượt xe chở quá tải trọng cho phép. Bức xúc nhất là khu vực chân cầu Thăng Long, thuộc địa bàn xã Võng La (Đông Anh), một bãi tập kết cát cao như núi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Theo người dân địa phương, ở khu vực này luôn có 1 tàu neo đậu thả ống hút cát, sau đó chở về bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ngược lên huyện Phúc Thọ, số lượng cát không rõ nguồn gốc tập kết ở các bãi chứa khá nhiều, hầu hết nằm trong hành lang thoát lũ. Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại các xã Vân Nam, Vân Phúc... cũng diễn biến khá phức tạp, kéo dài nhiều năm qua. Ở khu vực này luôn có 3-4 tàu thuyền lợi dụng cơ quan chức năng vắng mặt là thả vòi hút cát, rồi chở về các bãi tập kết ven sông. Người dân địa phương nghi ngờ, phải chăng cơ quan chức năng đang làm ngơ cho các đối tượng khai thác cát trái phép lộng hành?

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68), Công an Hà Nội cho biết, hoạt động của "cát tặc" khá tinh vi, các đối tượng thường lợi dụng lúc cơ quan chức năng vắng mặt tiến hành hút trộm cát, khi phát hiện cơ quan chức năng đến kiểm tra thì cho thuyền chuyển hướng sang địa phận tỉnh giáp ranh. Những người làm thuê cho chủ tàu thuyền kém hiểu biết về pháp luật, nên việc xử lý, tạm giữ phương tiện lâu ngày gặp một số khó khăn...

Thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng cấm trên đường thủy thuộc địa bàn thành phố, từ tháng 8-2013 đến nay, PC68 đã bắt giữ 38 vụ, khởi tố 7 đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép. PC68 đang tập trung xử lý triệt để các hành vi có yếu tố cấu thành vi phạm như không giấy phép khai thác, bến bãi; phương tiện khai thác không phép; người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ hành nghề; mua bán cát không rõ nguồn gốc.

Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, buôn bán cát không rõ nguồn gốc cần sự vào cuộc của các lực lượng, nhất là nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, UBND cấp xã phải thanh lý, hủy bỏ ngay các hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh trung chuyển vật liệu xây dựng trái pháp luật; có kế hoạch và tổ chức thực hiện giải tỏa bãi cát không rõ nguồn gốc. Các huyện tiến hành kiểm tra hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn, xử lý dứt điểm những vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, đê điều. Công an thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm chủ phương tiện sử dụng tàu thuyền hút, vận chuyển cát trái phép. Các đơn vị liên quan phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II xử lý dứt điểm hoạt động bến thủy nội địa không có giấy phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giúp đỡ, giám sát của nhân dân trong cuộc chiến dẹp bỏ nạn "cát tặc", để trả lại sự bình yên vốn có của các con sông.

Thúy Nga