Để lại phía sau những bất đồng thương mại

Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 26/03/2014

(HNM) - Trong một nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du kéo dài 11 ngày tới 4 quốc gia tại khu vực gồm Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ.


Là Chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc thăm chính thức Hà Lan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, sự hiện diện của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới tại thủ đô Amsterdam mang ý nghĩa lớn. Trong 11 năm liên tiếp, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU. Chỉ tính riêng năm 2013, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt mức 70,15 tỷ USD. Vì thế, cùng với các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 (NSS) tại LaHaye, sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng nước chủ nhà Mark Rutte nhất trí thiết lập quan hệ song phương trên cơ sở đối tác cởi mở và thực tế vì sự hợp tác toàn diện là thành công nổi bật của chuyến thăm.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.



Tuyên bố chung vừa được lãnh đạo hai nước thông qua cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc Hà Lan là cửa ngõ vào Châu Âu đối với Bắc Kinh, cũng như việc mở rộng hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương theo cách thức cởi mở, bình đẳng, không phân biệt đối xử. Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh như: Nông nghiệp, lương thực, nước, hóa dầu và hậu cần; cũng như trong các ngành công nghiệp đang nổi lên như chế tạo công nghệ cao, bảo tồn năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng các thành phố nhỏ, dịch vụ tài chính....

Điểm dừng chân thứ hai, ngay sau khi kết thúc NSS ngày 25-3 cũng hết sức quan trọng trong chuyến công du này của Chủ tịch Tập Cận Bình, là Pháp. Diễn ra vào thời điểm hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các nhà lãnh đạo đất nước hình Lục lăng kỳ vọng chuyến thăm sẽ thổi làn gió mới vào mối quan hệ kinh tế song phương Trung - Pháp. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pháp, song Pháp chỉ đứng thứ 19 trong số các bạn hàng của Trung Quốc. Năm 2013, nhập siêu của Pháp từ Trung Quốc đã lên tới 26 tỷ euro. Vì thế, tham vọng lớn của Paris qua chuyến thăm là thúc đẩy các trao đổi thương mại giữa Pháp và Trung Quốc để dần cải thiện tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Bên cạnh Hà Lan, Pháp, Đức và Bỉ cũng là những nền kinh tế trụ cột trong EU. Chuyến công du Châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trùng với thời điểm EU và Trung Quốc đang tiến hành vòng hai đàm phán về Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU. Việc sớm ký kết hiệp định đầu tư đầy tham vọng này sẽ là một bước quan trọng, không chỉ với việc tiếp cận thị trường tốt hơn mà còn là công cụ bảo vệ nhà đầu tư cũng như thắt chặt mối quan hệ thương mại hai bên.

Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành bạn hàng lớn của nhau. EU nhập phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc trong khi nước này cũng là một trong những điểm đến xuất khẩu quan trọng của EU. Các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Cựu lục địa là một "trục quan trọng" trên thế giới và là đối tác lớn của người khổng lồ Châu Á. Bất chấp một số tranh cãi về cạnh tranh thương mại không lành mạnh giữa đôi bên thời gian qua, việc đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020 đã được xác định là mục tiêu quan trọng. Những thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm đang hiện thực hóa kế hoạch mà cả hai phía đã đặt ra.

Nhiều chuyên gia phân tích trong bối cảnh quan hệ EU - Nga đang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine và Crimea, liên minh lớn nhất thế giới có thêm động lực để thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác với quốc gia đông dân nhất thế giới được cho là sự lựa chọn hợp lý để có thể phần nào bù đắp những tác động tiêu cực từ những biện pháp trừng phạt thương mại giữa phương Tây và Nga. Vì thế, không chỉ Bắc Kinh mà Brussels cũng sẽ chủ động trong việc tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế, mở ra triển vọng sáng lạn cho quan hệ chiến lược song phương.

Đình Hiệp