An ninh trường học: Chưa có sự quan tâm đúng mức

Giáo dục - Ngày đăng : 06:30, 25/03/2014

(HNM) - Tình trạng người lạ trà trộn vào trường học để cướp tài sản, bắt cóc hoặc xâm hại học sinh (HS) xảy ra tại một số địa phương thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn trong trường học.


Bảo đảm an toàn cho học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở. Ảnh: Giang Sơn




Nhiều lỗ hổng

Hiện nay, sau giờ tan học, hầu hết HS tiểu học và THCS đều tự xuống sân trường - nơi bố mẹ đứng đón để đưa về. Nhằm tránh tình trạng lộn xộn, nhiều trường đã kẻ vạch, phân rõ khu vực đứng đón con của phụ huynh từng khối lớp. Nhưng việc này chỉ thực hiện được ở những nơi có sân rộng, còn với những trường có diện tích hẹp, phụ huynh thường phải đứng rải rác ngoài cổng trường để chờ đón con. Nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, các trường đã chủ động kết hợp với chính quyền địa phương hoặc thanh niên xung kích chia làn, chỉ dẫn cho HS, phụ huynh khi tan học. Tại những khu vực tập trung nhiều trường (phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm có đến 5 trường học), giờ tan học của HS được quy định lệch nhau để tránh bị ùn ứ. HS nhỏ được cô giáo dẫn ra phía ngoài cổng trường bàn giao cho phụ huynh…

Dù trên địa bàn Hà Nội chưa xảy ra sự việc nghiêm trọng nào, song thực tế cho thấy vẫn còn những lỗ hổng về nguy cơ mất an toàn cho HS. Tình trạng người lạ trà trộn vào trong sân trường sau giờ tan học, chuyện HS tiểu học, THCS ra khỏi cổng trường sau khi tan học rồi trốn hoặc bị dụ đi chơi cũng đã từng xảy ra. Việc đón - trả trẻ ở trường mầm non vốn được coi là khá an toàn, vì phụ huynh lên tận lớp đón, song cũng không hẳn đã là an toàn tuyệt đối. Cách đây vài năm, tại một quận đã xảy ra một sự cố, trở thành bài học kinh nghiệm cho cả cô giáo và lực lượng bảo vệ (BV): Một trẻ trong giờ học lại tha thẩn ra ngoài sân trường chơi, đúng lúc phụ huynh đi qua thấy nên đón về mà không ai hay biết. Đến giờ trả trẻ cô giáo mới tá hỏa vì thấy thiếu trẻ nên báo công an. Sự việc chỉ kết thúc khi phụ huynh thông báo sự tình và bày tỏ bức xúc về sự lơ là trong quản lý, chăm sóc trẻ tại trường.

Trước tình trạng tại một số địa phương liên tiếp xảy ra các vụ việc kẻ xấu vào trường bắt cóc, xâm hại HS… làm ảnh hưởng đến việc dạy - học ở nhà trường và khiến phụ huynh lo lắng, Bộ GD-ĐT đã có văn bản nhắc nhở các địa phương triển khai ngay một số biện pháp nhằm thắt chặt công tác bảo đảm an toàn trường học, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho HS trên đường đi học và khi tham gia các hoạt động giáo dục ở ngoài nhà trường.

Cần điều chỉnh cơ chế, chính sách

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường học (mỗi ngày có khoảng 5 vụ). Bạo lực học đường trở thành nỗi trăn trở không chỉ của nhà trường, gia đình mà của toàn xã hội, đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Yêu cầu bảo đảm an ninh trường học cũng khác trước vì hầu hết trường học đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, đắt tiền. Trong trường học hiện nay lại xuất hiện thêm loại tội phạm mới: Tội phạm công nghệ cao. Đã có trường bị kẻ xấu thông qua sổ liên lạc điện tử để thông tin sai lệch cho phụ huynh… Thực tế trên đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết cho công tác bảo đảm an toàn trường học.

Qua tìm hiểu, được biết nhân viên BV tại các trường học hiện nay làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ban hành ngày 17-11-2000. Thông thường, mỗi trường có 2 BV làm việc theo chế độ hợp đồng với UBND quận. Tuy nhiên, do tính chất và yêu cầu công việc, mỗi trường đều phải thuê thêm ít nhất 1-2 người. Do ngân sách không chi trả cho đầu việc này, nên các trường đều phải cố gắng xoay xở, bởi số lượng BV theo định biên không thể đảm đương nổi. Thêm nữa, nếu chỉ có 2 BV thì thời gian làm việc của mỗi người sẽ vượt quá 48 giờ/tuần - vi phạm quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, với những trường có khuôn viên rộng, khối lượng công việc nhiều, quy mô HS ngày càng gia tăng thì lực lượng BV cũng khó kiêm xuể. Hiệu trưởng của một trường tiểu học dẫn chứng: Mỗi trường có 4 BV, trừ 2 người làm đêm hoặc thay nhau lúc ốm đau, 2 người làm ngày cũng chỉ có thể đảm đương được việc quan sát chung và trông xe, khó có thể quán xuyến được việc bảo đảm an toàn cho từng HS, nhất là vào giờ tan học, khi cùng lúc có cả nghìn HS ùa ra sân trường. Ban giám hiệu các trường học đều khẳng định đội ngũ BV có vai trò quan trọng, nhưng việc tuyển dụng lại không dễ (thường là bộ đội phục viên hoặc người chưa có việc làm ổn định), bởi thu nhập thấp - khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, sự gắn bó và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng BV chỉ dừng ở mức độ nhất định. Nhiều hiệu trưởng trường mầm non bày tỏ lo ngại rằng, nếu có sự cố bất ngờ thì nguy cơ mất an toàn rất lớn do phần lớn BV đều lớn tuổi hoặc ít kinh nghiệm về nghiệp vụ, trong khi đội ngũ giáo viên, nhân viên toàn là nữ.

Trước yêu cầu về việc bảo đảm an toàn trường học hiện nay, quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Công an TP Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 là kiện toàn lực lượng làm công tác BV trường học và tập trung đầu tư thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng này. Song, mặc dù định biên BV của các trường khối trực thuộc Sở đã được điều chỉnh lên mức tối thiểu 4 người/trường, nhưng mối lo lớn nhất lại đang nằm ở khối trường trực thuộc các quận, huyện (gồm trường mầm non, tiểu học, THCS), bởi HS còn nhỏ tuổi. Vì vậy, về lâu dài, cần có sự điều chỉnh thống nhất về cơ chế, chính sách với lực lượng BV trường học cả về số lượng và trình độ nghiệp vụ, coi đây là phần việc quan trọng nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Thống Nhất