Xử lý nghiêm cũng chính là phòng ngừa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 25/03/2014
Theo lời khai, số tiền bất hợp pháp, hay nói cách khác là số tiền "bôi trơn" JTC đã phải chi từ năm 2008 đến năm 2012 là hơn 100 triệu yen (tương đương hơn 20 tỷ đồng tiền Việt Nam) để được tham gia thực hiện các dự án ODA. Trong đó, riêng Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 1 (sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản), JTC khai là đã "lại quả" 80 triệu yen (tương đương hơn 16 tỷ đồng).
Chưa biết trọng lượng, tính chính xác của thông tin nêu trên đến đâu, nhưng ngay trong chiều 23-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp khẩn với đơn vị, cá nhân liên quan. Theo yêu cầu của Bộ trưởng, các cá nhân có liên quan đến dự án nêu trên, kể cả người đã nghỉ hưu, những người đã chuyển công tác phải tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia dự án. Những báo cáo này phải hoàn thành trước ngày 31-3. Một số cán bộ đã được "tạm dừng công tác" để làm rõ những vấn đề có liên quan. Cùng với đó là dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2a của Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1). Bộ GTVT cũng đã lập các đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt…
Bộ trưởng GTVT khẳng định, nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực sẽ xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai. Liên quan đến vụ việc trên, chiều 24-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điểm lại để thấy sự quyết liệt của cơ quan chủ quản cũng như thái độ của Chính phủ đối với những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy quản lý nhà nước. Từ trước tới nay, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, một trong những khó khăn luôn được đề cập là chứng cứ pháp lý để quy kết hành vi phạm tội. Cũng vì lẽ đó mà cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn dù rằng ở đâu, trong lĩnh vực nào dư luận xã hội đều cảm nhận thấy bóng dáng của những chuyện chia chác, "đi đêm", lót tay, bôi trơn… với nhiều mức độ, hình thức khác nhau. Phần nữa, chính những người "trong cuộc" - những người biết rõ hành vi tiêu cực, tham nhũng, ở một khía cạnh nào đó là thái độ, hành vi tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Do đó, chả ai "vạch áo cho người xem lưng" và tội phạm tiêu cực, tham nhũng ngày càng lộng hành, làm tha hóa đời sống và các mối quan hệ xã hội. Và thật nguy hiểm hơn khi những hành vi này ngày càng được coi là những chuyện bình thường, cần phải có, được xã hội chấp nhận như một "luật bất thành văn". Xin cho con đi học, lấy dấu và xác nhận của chính quyền địa phương về nơi cư trú, đổi một số giấy tờ cá nhân khi hết hạn…, thậm chí là một mũi kim tiêm thuốc cho người bệnh, người ta đều sử dụng "văn hóa"… phong bì và chạy vạy để thực hiện như là mặc định cần phải có để mọi việc được "thông đồng bén giọt". Chuyện nhỏ còn như thế, huống chi là các dự án bạc tỷ, những việc liên quan đến đấu thầu, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư…
Công tác phòng, chống tham nhũng là một yêu cầu, nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt… Và cần chú trọng, khi đã phát hiện ra những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì cần xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng ngừa tích cực.
Đây cũng chính là mấu chốt sự quan tâm của dư luận đối với những lời khai từ phía JTC có liên quan tới một số quan chức của chúng ta.