Dưới cột đèn rót một ấm trà: Tĩnh mà động!
Sách - Ngày đăng : 07:06, 24/03/2014
LTS: Trong một bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trương Quý, PV Báo Hànộimới đã nhắc đến tập truyện ngắn đầu tiên của anh mang tên "Dưới cột đèn rót một ấm trà". Nay, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà văn Trần Chiến về tác phẩm này - tập truyện ngắn của một kiến trúc sư, một cây bút tản văn khá đặc sắc, nhất là khi viết về đề tài Hà Nội.
Người viết "Hà Nội đặc" và đúng là "trẻ". Lại "dưới cột đèn rót một ấm trà", thì tâm thế chắc là "trong tĩnh ngoài động", nhẩn nha quan sát nhẩn nha kể tới đâu thì tới. Ngần nấy đặc điểm cho ra những dấu ấn đặc sắc: Tinh tế, hóm hỉnh (như vẫn thấy trong tản văn của anh) rồi bỗng nhiên sắc lẹm, phơi bày cái gì đó đáng lo đáng ghê sợ đằng sau những bình thường.
Nhân vật đa phần trẻ, có trình độ, làm văn phòng, công sở, doanh nghiệp "đâu đó", nghĩa là không có bi kịch nghèo túng. "Chạm" vào họ phải tự tại, tinh tường, không thể dùng con mắt đạo đức truyền thống để rạch ròi đúng - sai, tốt - xấu. Cặp vợ chồng lấy nhau nhờ "phượt", ly dị sớm vì nguyên nhân hỡi ôi. Một gia đình đang chắc chắn có cơ vỡ vụn nếu không cho con đi làm con nuôi người, thỏa mãn giấc mơ xuất ngoại của nó. Một thầy giáo hằng được coi là nghiêm túc, chuyên nghiệp đến khó tính bỗng nhiên thành tầm thường trong mắt sinh viên. Một quan chức, trong đám tang bố, "thay" cô em nghèo khó bằng người khác để giữ giá trị của mình. Một Hà Nội cổ kim đan cài, cái đẹp chung sống với dung tục. Lại có những quan hệ hiện đại, của thị dân hiện lên quá rắc rối trong mắt lớp người quen nếp cũ: "Phi công trẻ lái máy bay bà già", cô gái "dũng cảm" độc lập đột ngột ngã vào "sếch". Từng nấy câu chuyện được kể cho thấy thành phố ôm bao nhiêu biến động phức tạp, muôn hình vạn trạng trong lòng, không hề giống với quá khứ phẳng lặng, càng không dễ "giải quyết" hay "vượt qua".
"Dưới cột đèn" trầm tĩnh quan sát, tác giả không băm bổ xông ra cắt nghĩa, phán truyền. Lo ngại, khó chịu hay công phẫn… cứ bộc lộ dần dần qua câu kể, rồi những chân tướng, phẩm chất hiện ra rất kín đáo; kể ra không dễ cho người đọc "vội" kiểu sồn sồn. Không gian truyện thường là hẹp, nhân vật không nhiều, thật khó để dựng nếu không giỏi dùng chi tiết. "Con mèo đực" gần như chả có cốt, "đứng" được nhờ những tình huống khâu vào nhau bằng giọng kể tỉnh bơ. "Rừng mái, rừng mơ" thực sự là một truyện dài, sự phân rã lòng tin, đạo đức, thẩm mỹ được mổ xẻ nghiệt ngã, đôi chỗ đến tàn nhẫn. Tác giả vốn là kiến trúc sư, nên ngoài con người, những đoạn phố xá, cây cỏ của anh có sắc thái rất riêng, rõ lên một Hà Nội vừa đẹp vừa đáng thương.
Nguyễn Trương Quý đã có chỗ đứng riêng trong giới tản văn. "Dưới cột đèn rót một ấm trà", đầu tiên và chắc là còn rụt rè, cho thấy anh "vào" thể loại truyện ngắn rất chắc tay.