Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 24/03/2014
Song tình trạng làng nghề phát triển nóng trong những năm gần đây đã kéo theo ô nhiễm môi trường gia tăng, khiến không chỉ bản thân người dân làng nghề mà cả cộng đồng phải gánh chịu.
Người dân xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, khốn khổ vì môi trường ô nhiễm do nguồn nước từ các làng nghề chưa qua xử lý xả xuống sông Đáy. |
Ô nhiễm vượt mức cho phép
Kết quả điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại các làng nghề sơn mài Hạ Thái, bánh dày Thượng Đình, cơ khí Liễu Nội (Thường Tín) và bún bánh Phú Đô (Từ Liêm) cho thấy, cả nguồn nước ngầm và ao hồ, kênh mương thủy lợi ở những nơi này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học độc hại. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi thì bị nhiễm độc bởi SS, BOD5, COD, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, ecli, coliform... Môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc... Còn theo kết quả khảo sát 43 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.
Nguyên nhân là các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chỉ chú ý đến việc tăng doanh số, mặt hàng mà thiếu quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Tại khu vực sản xuất cũng như cống rãnh ở các làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì... đều có lượng chất thải lớn, bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhất là khi thời tiết nắng nóng và ách tắc cục bộ khi trời mưa. Các làng nghề như cơ khí Thanh Thùy (Thanh Oai), Liên Bạt (Ứng Hòa), Nhị Khê (Thường Tín), Phùng Xá (Thạch Thất) không chỉ nguồn nước bị ảnh hưởng của nước thải từ công đoạn mạ, cán phôi thép... mà không khí cũng chứa đầy bụi độc và ảnh hưởng của tiếng ồn, rung do hoạt động của máy búa, máy dập, lò cán thép. Tại các làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc (Hà Đông), La Phù (Hoài Đức)... nước thải từ các công đoạn in, nhuộm, chuội vải xả thẳng ra cống rãnh khiến nguồn nước chuyển màu đen đặc, bốc mùi nồng nặc... Bầu không khí tại các làng nghề sơn mài, mây, tre, giang đan cũng rất ngột ngạt bởi mùi dung môi sơn và các hóa chất tạo màu cho sản phẩm, làm giảm trí lực, thị lực và gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu, đường ruột... cho người trực tiếp sản xuất cũng như cư dân trong khu vực.
Đặc biệt là mới đây, tại xã Phương Tú, Liên Bạt (Ứng Hòa), nước thải từ làng nghề chưa qua xử lý xả xuống kênh mương, thâm nhập vào các ao nuôi trồng thủy sản của người dân khiến cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Còn tại xã Văn Võ (Chương Mỹ), cuộc sống của người dân bị đảo lộn do hứng chịu nước thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản của huyện Hoài Đức, Quốc Oai chứa nhiều tạp chất chưa qua xử lý xả xuống sông Đáy. Bà Nguyễn Thị Tú, cán bộ y tế xã Văn Võ cho biết: "Tôi làm cán bộ y tế xã mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy người dân trong xã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như mấy năm nay. Xã Văn Võ đã có khoảng 20 người bị ung thư, trong đó 5 người đã chết, còn số người bị mắc các bệnh đau mắt hột, tiêu chảy, đường ruột... thì không đếm hết được".
Cần giải pháp tổng thể
Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, chiếm 58,8% số làng toàn thành phố, giải quyết việc làm cho gần 740 nghìn lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ... ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề thời gian gần đây ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống của cả cộng đồng.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý, nếu không nói là thiếu trách nhiệm đối với công tác này. Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn... Bên cạnh đó, thiết bị, công nghệ sản xuất ở các làng nghề vẫn lạc hậu, mặt bằng thì chật hẹp...
Vì vậy, để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý..., trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Theo tính toán, để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố cần khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, đến năm 2020 cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm; giai đoạn 2021 - 2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác... |