Ai không được phép kinh ngạc?
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 24/03/2014
Câu chuyện khó có thể tưởng tượng nổi này diễn ra ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Người thực hiện video clip này là một cô giáo ở Trường Mầm non Nà Hỳ, điểm trường Sam Lang. Với những hình ảnh quay bằng điện thoại, khuôn hình xiêu vẹo, đôi khi bị rung, đoạn video đã khiến mọi người xúc động: Phía trước dòng nước lũ là lũ trẻ đang chờ các cô; phía trước là gánh nặng con chữ, đồng thời cũng là gánh nặng nghề nghiệp mà các cô giáo đã chọn. Khi vượt lũ bằng phương tiện như vậy, họ phải đối mặt rủi ro, nguy hiểm đến sinh mạng. Hình ảnh một cô giáo bước ra từ túi nilon, khuôn mặt thất thần vì ngộp thở, hẳn sẽ khiến nhiều người day dứt mãi.
Sẽ có không ít người đặt câu hỏi: Tại sao các cô giáo và người dân nơi đây lại không chọn một giải pháp nào khác thay vì chui vào túi nilon để nhờ những người khỏe mạnh túm lại, kéo qua lũ dữ? Tại sao người dân và các cô không nối dây thừng giữa hai bờ, ngồi trên thuyền thúng rồi kéo tay từ bên này sang bên kia - kiểu như đò dây Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) là ví dụ điển hình - cũng đã được không ít người đề cập? Tuy vậy, có thể chắc chắn một điều là nếu như còn một giải pháp nào khác để vượt lũ an toàn, "nhàn nhã" và hiệu quả hơn là chui vào túi nilon chịu ngạt thì hẳn người dân vùng triền miên phải đối mặt lũ dữ đã viện đến.
Những ai đã từng xem tác phẩm điện ảnh "Cánh đồng hoang" của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến hẳn sẽ liên tưởng hình ảnh cô giáo, trẻ con vượt lũ dữ Sam Lang với hình ảnh nhân vật Ba Đô cho đứa con vào túi rồi nhận xuống nước nhằm tránh sự truy tìm của kẻ thù - mỗi lần nhấc lên, mở nắm túi ra, đứa con lại khóc ré lên vì ngạt, vì sợ hãi. Xem clip do một cô giáo ở vùng cao quay, sao có thể quên được khuôn mặt nhược đi vì sợ, vì thiếu ôxy của một cô giáo trẻ khi bước ra từ trong túi? Giữa chiến tranh và thời điểm này, giữa khoảng cách mấy mươi năm trước - sau, sao lại có sự tương quan chua xót như thế?
Nếu như một cô giáo không cung cấp video clip này cho những người làm báo thì hẳn chuyện các cô giáo và lũ trẻ vượt con suối dữ bằng "sáng tạo" có một không hai này - "sáng tạo không ngờ tới" - lời của nguyên Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, tại nghị trường khi trả lời về việc người dân Pô Kô đu dây qua sông, thì hẳn góc khuất cuộc sống nơi vùng sâu vùng xa, góc khuất của những người dạy chữ ở nơi thuộc vào loại khó khăn nhất cả nước vẫn không được nhiều người biết đến. "Sáng tạo" ngạc nhiên đến chua xót mà ngay cả những người làm báo cũng không biết chứ chưa nói gì đến xã hội và các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo thì hẳn những đồng nghiệp khác cùng trường của cô giáo quay video và những giáo viên khác phải thường xuyên vượt lũ theo "sáng tạo không ngờ tới" này không thể không biết. Ban giám hiệu nhà trường hẳn không thể không biết. Đặc biệt là chính quyền địa phương nơi các cô làm việc chắc chắn phải biết. Nếu như không vì vô tình mà một cô giáo trở thành một "nhà báo" thì hẳn những chuyến đi dạy rất đỗi bình thường đối với các cô vào mùa mưa lũ vẫn là những góc khuất đối với xã hội và các cơ quan có thẩm quyền. Ở đây, dường như vô hình đang tồn tại thái độ quan liêu, thậm chí vô cảm đối với sinh mạng của con trẻ, sinh mạng của những người dạy chữ từ phía người làm công tác quản lý sở tại. Sự quan liêu, thờ ơ thể hiện rõ ở việc lẽ ra biết về thực trạng "túi nilon chở đầy con chữ" vượt suối thì chính quyền địa phương, ngành giáo dục Điện Biên phải có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết thực trạng này… Vậy mà…
Cũng phải đến khi video clip của cô giáo làm hé lộ những góc khuất cuộc sống, góc khuất nghề nghiệp của những người làm công tác dạy chữ ở một trong những nơi khó khăn thuộc loại nhất nhì cả nước thì những "cơ quan có liên quan" mới bắt đầu "phản ứng" theo kiểu "quán triệt". Ngày 19-3, Bộ Giáo dục - Đào tạo có Văn bản số 1328/BGDĐT - CTHSSV yêu cầu các sở giáo dục - đào tạo tổ chức quán triệt, thông báo trong toàn ngành về công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong mùa mưa lũ và tuyên truyền đến cha mẹ học sinh tuyệt đối không đưa con, em đến trường bằng các phương tiện không an toàn; rà soát toàn bộ các trường, điểm trường ở các vùng khó khăn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, chủ động xây dựng phương án tổ chức sinh hoạt, học tập cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đặc biệt, Bộ cũng đề nghị chính quyền địa phương tìm giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thầy cô giáo và học sinh.
Điều này có nghĩa là thực tế mà video clip của một cô giáo vùng cao đã quay hoàn toàn nằm "ngoài vùng phủ sóng" của Bộ Giáo dục - Đào tạo? Như vậy, có những khuất lấp, có những khoảng cách vô cùng lớn ở những người trực tiếp dạy trẻ ở nơi xa xôi, khó khăn, khắc nghiệt với người làm công tác quản lý chính quyền địa phương và quản lý ngành. Không hiểu đến thời điểm này ngành giáo dục (cả trung ương và địa phương) đã thực hiện một thống kê nào về số lượng, điều kiện làm việc, học tập của những giáo viên, học sinh ở những vùng đặc biệt "nhạy cảm" như trên để có những đề xuất, giải pháp tháo gỡ kịp thời?
Cũng sau đó lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã khẳng định: Dùng túi nilon kéo người vượt sông cực kỳ nguy hiểm; Đây là thực tế phải giải quyết ngay. Trách nhiệm của các cấp, các ngành và Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) là phải làm việc với các cơ quan liên quan để sớm xóa bỏ hiện tượng này. Bộ đang giao Sở GT-VT Điện Biên khảo sát thực tế ở đó, yêu cầu trước mắt phải có giải pháp cho người dân đi lại bằng phương án… không nguy hiểm! Việc xây cầu ở đây sẽ được giải quyết nhanh. Đến thời điểm này, theo Sở GT-VT tỉnh Điện Biên, công tác khảo sát đã được tiến hành xong và Sở đã có công văn đề nghị Bộ GT-VT cho xây dựng cầu treo dài 64m, rộng 1,5m, vị trí ngay cạnh nơi giáo viên và học sinh từng phải qua suối bằng "sáng tạo không ngờ tới".
Rõ ràng ngoài túi nilon, các cô giáo, trẻ nhỏ ở đây khó lòng vượt suối mùa lũ bằng phương tiện nào khác. Những phản ứng của các cơ quan liên quan cũng cho thấy việc xây một cây cầu cho khu vực này không phải là điều gì quá khó khăn. Vấn đề ở chỗ: Đâu là những khuất lấp giữa nghịch cảnh túi nilon chở đầy con chữ với phản ứng tỏ ra "trách nhiệm" và giải pháp giải quyết gần như không gặp phải khó khăn gì của các ngành hữu quan? Lẽ tất yếu là người làm công tác quản lý thấy bất cập nào không thể chấp nhận được thì phải ưu tiên giải quyết. Trong khi đó, sự an nguy tính mạng trẻ nhỏ, cô giáo hẳn nhiên phải được xem là điều cấp bách. Tuy nhiên, còn đó sự thờ ơ, quan liêu, sự vô cảm đang nằm ở "khâu" nào?
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TƯ) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách là một trong những ưu tiên. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, rõ ràng ngành giáo dục - đào tạo cũng như các cơ quan liên quan, không thể thờ ơ những hình ảnh mà cô giáo vùng cao đã quay.
Trở lại video clip của cô giáo vùng cao Điện Biên. Phía trước cô và đồng nghiệp - vượt qua khoảng cách hung dữ của con suối Sam Lang - là lũ trẻ đang chờ. Cũng có thể nói, phía trước các cô là gánh nặng nghề nghiệp mà mình đã chọn, đã theo đuổi. Nhưng phía sau các cô là khoảng trống lớn - đấy là sự thờ ơ, nói không quá thì đó chính là sự vô cảm của người làm công tác quản lý. Video clip ấy làm nhiều người kinh ngạc, xót xa, bàng hoàng, nhưng rõ ràng đấy là thực tế mà địa phương (từ cấp xã đến cấp tỉnh) phải biết, người làm công tác quản lý giáo dục phải biết. Có thể người dân kinh ngạc, nhưng những người làm công tác quản lý (nhất là ở địa phương) không thể… kinh ngạc, bởi vì hơn ai hết họ phải biết chuyện đó từ lâu. Đã biết, sao phải kinh ngạc? Họ không được phép kinh ngạc! Nhưng thôi, dẫu sao những giải pháp ở thời điểm này vẫn còn chưa muộn. Chỉ hy vọng rằng sẽ không còn những Sam Lang thứ hai, thứ ba và đặc biệt là không còn những góc khuất, những khoảng trống mà người làm quản lý không biết hoặc cố tình không biết!