Làng hoa lên phố

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 23/03/2014

(HNM) - Từ ngày 1- 4 tới đây, xã

Nhiều người dân Tây Tựu vẫn nhớ, cây hoa được trồng ở xã từ năm 1995. Khi đó một số hộ dân trong xã đã đưa cây hoa về trồng thí điểm trên đồng đất thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê..., không ngờ lại hợp đất và thế là "bén duyên" với người nông dân Tây Tựu đến nay. Thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng dưa, trồng cà, người dân Tây Tựu bảo nhau cùng chuyển đổi sang trồng hoa. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển vững chắc như hôm nay. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã dành trọn cho cây hoa với 2.800 hộ tham gia trồng hoa.

Nông dân xã Tây Tựu thu hoạch hoa cúc.


Chính nhờ cây hoa, kinh tế - xã hội của xã được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Năm 2010, thu nhập bình quân trong xã là 28 triệu đồng/người thì đến cuối năm 2013 đã tăng lên 32 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu đạt trên 70%, hộ nghèo chỉ còn khoảng 1,7%... Đưa chúng tôi ra thăm những cánh đồng hoa, ông Việt tự hào khoe: "Những ngôi nhà cao tầng, hệ thống đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông khang trang, sạch đẹp, tất cả cũng nhờ cây hoa". Đáng kể hơn, cuối năm 2013, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, trở thành xã dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới.

Tới đây, Tây Tựu "lên" phường, nhiều người dân rất mừng vui trước sự kiện này, họ háo hức chờ đón những cơ hội đổi thay, giàu đẹp hơn. Nhưng cùng với niềm vui là những suy tư, lo lắng làng hoa có thể dần teo tóp. Lão nông Nguyễn Văn Tuyến, thôn Trung, xã Tây Tựu chia sẻ: "Tôi đã trồng hoa được gần 20 năm rồi, trước kia còn khỏe trồng gần một mẫu hoa, nay già chỉ làm có 5 sào. Trồng hoa tuy vất vả nhưng cho thu nhập cao và ổn định". Theo cách tính của ông Tuyến, những năm gần đây, nghề trồng hoa ở Tây Tựu cho thu nhập bình quân đến 600 triệu đồng/ha. Những hộ trồng hoa cao cấp như ly, hoa lan... thu nhập cao hơn, từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm, gấp 10-20 lần trồng lúa, ngô... "Việc xã lên phường là một niềm vui lớn của chúng tôi. Có thể một vài năm tới, Nhà nước thu hồi đất để phát triển đô thị, chúng tôi cũng tiếc, vì nghề trồng hoa đã nuôi sống và làm giàu cho người dân nhiều năm nay…" - ông Tuyến bộc bạch.

Với những nông dân Tây Tựu, hoa đã gắn bó và trở thành một phần cuộc sống của họ. Vì vậy, nhiều hộ gia đình trong xã đã tìm nhiều cách ứng dụng tiến bộ KHKT để giữ lại nghề hoa. Anh Đỗ Đắc Tuấn và một số thanh niên trong xã đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công phương pháp trồng hoa tuylip trên sân thượng, hiên nhà. "Cuối năm 2013, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm 15.000 cây hoa tuylip bằng phương pháp này, khi thu hoạch, lợi nhuận kinh tế cao hơn trồng hoa ngoài bãi. Ngoài ra, trồng hoa bằng phương pháp này rất thuận lợi cho việc chăm sóc, không chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp, không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, môi trường bảo đảm sạch sẽ" - anh Tuấn hồ hởi khoe.

Ông Lê Văn Việt cho biết, theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020, Tây Tựu nằm trong vùng lõi đô thị, phần lớn diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi, nhiều hộ dân sẽ không còn đất canh tác, làng hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho nghề trồng hoa của xã phát triển bền vững, ngay từ năm 2010 xã đã xây dựng một số giải pháp để bảo tồn làng hoa cũng như giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất. Xã thường xuyên mở các lớp đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao. Bên cạnh việc phát triển dịch vụ, sản xuất hoa lẵng, hoa chậu..., xã còn vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại hoa chất lượng cao như hoa lan, ly, tuylip... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà mô hình trồng hoa trên sân thượng, hiên nhà đã mở ra một hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đức Duy