Dù khó cũng phải quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ
Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 23/03/2014
Cũng cần lưu ý, chỉ số này năm 2012 của Hà Nội tụt 15 bậc so với năm 2011; đặc biệt trong đó chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (một trong những chỉ số thành phần để xây dựng PCI) xếp hạng cuối trong 63 tỉnh, thành phố. Nhắc lại những con số đó để thấy rằng Hà Nội đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của cộng đồng DN.
Nhân dịp này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Đông - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội về các giải pháp đã triển khai nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong một lĩnh vực luôn được coi là nóng, nhạy cảm.
Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. |
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
- Thưa ông, dù Hà Nội đã có "bước nhảy" đáng ghi nhận về chỉ số PCI của năm 2013 so với năm 2012 (tăng 18 bậc). Riêng chỉ số tiếp cận về đất đai đã khá hơn năm trước nhưng sự tăng điểm còn chưa được như yêu cầu. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Điều dễ nhận thấy là giá đất tại Hà Nội luôn cao nhất trong cả nước, do đó việc tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư, DN luôn là vấn đề mang yếu tố cạnh tranh cao khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu trong một địa bàn có số lượng DN chiếm 1/4 tổng số DN của cả nước. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện thời hạn thuê đất… có những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản và có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được hiện đại hóa một cách toàn diện, triệt để. Mặt khác, các DN khi tham gia đầu tư vào Hà Nội cần phải đáp ứng được các yêu cầu cao về môi trường, sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và phải có nhiều kinh nghiệm, năng lực cả về tài chính và kỹ thuật.
- Đó là những nguyên nhân khách quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan là đội ngũ cán bộ làm công tác này còn trì trệ, thiếu năng động, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí lợi dụng vị trí, quyền hạn được giao để gây sách nhiễu, khó khăn nhằm trục lợi… Đây là đánh giá của lãnh đạo thành phố. Vậy thời gian qua, Sở TN-MT đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Năm trước, sau khi VCCI công bố chỉ số PCI của Hà Nội cùng kết quả điều tra các chỉ số thành phần, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính, đồng thời quán triệt tinh thần "Năm kỷ cương hành chính - 2013", chấn chỉnh tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường tính công khai, minh bạch… Từng đơn vị kiểm tra, rà soát hồ sơ, văn bản của các tổ chức, cá nhân liên quan vướng mắc đối với ngành trong các lĩnh vực, chủ động đề xuất biện pháp, cách thức giải quyết. Bên cạnh đó, Sở cũng đã thành lập các tổ công tác để đôn đốc các đơn vị thực hiện, đồng thời đánh giá cụ thể tình hình, khắc phục những bất cập tồn tại. Cùng với đó, năm qua Sở TN-MT đã tổ chức gần một chục hội nghị với sở, ngành liên quan và DN đại diện cho các ngành, lĩnh vực sản xuất để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, Sở đã chính thức áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ việc giao dịch được thực hiện qua mạng điện tử, vừa giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian đi lại, vừa chủ động phòng ngừa tiêu cực, phiền hà khi cán bộ giải quyết hồ sơ không trực tiếp tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
- Thời gian qua, các đơn vị thuộc thành phố đều đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Cụ thể, Sở TN-MT đã triển khai vấn đề này như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tới giao dịch?
- Trong nhiều công việc chúng tôi đã triển khai, có 4 phần việc cụ thể được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Thứ nhất là việc chỉ sử dụng một bộ hồ sơ luân chuyển tới các bộ phận như giao đất, cấp trích lục bản đồ, giao mốc giới, định giá, thuê đất và cuối cùng là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây, tại mỗi một bộ phận là người giao dịch phải nộp một bộ hồ sơ. Thứ hai là cải tiến thủ tục bàn giao mốc giới, chỉ thực hiện một lần. Công việc này trước kia phải thực hiện hai lần, đầu tiên là giao mốc giới phục vụ giải phóng mặt bằng, sau đó giao chính thức ngoài thực địa và cấp trích lục. Điều đó đã giảm phiền hà, bớt các trình tự thủ tục lặp đi lặp lại cho các DN, chủ dự án. Thứ ba là, trước đây lập hồ sơ mốc giới phải có các bên chứng kiến để ký và đóng dấu như phòng tài nguyên - môi trường cấp huyện và UBND cấp xã. Nay chỉ đề nghị bên nhận và bên giao thực hiện các thủ tục trước sự chứng kiến của các đơn vị liên quan. Nói chỉ đơn giản như thế, nhưng các DN, chủ dự án phấn khởi lắm vì nhiều khi đi lại để lấy chữ ký, con dấu mất rất nhiều thời gian. Cuối cùng là việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành. Mọi văn bản đều được đưa lên cổng thông tin điện tử của đơn vị, kể cả giấy mời họp, tài liệu có liên quan, điều đó vừa tiết kiệm thời gian, vật chất (tiền in ấn, photocopy tài liệu), vừa giúp cho các công việc, thông tin được công khai, minh bạch.
NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
- Thưa ông, Sở TN-MT thực hiện những công việc nêu trên có gặp phải khó khăn khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm vốn đã tồn tại trong một thời gian dài?
- Đổi mới bất kể một công việc gì đều không dễ dàng và thuận lợi, điều đó lại càng khó khăn hơn khi bản thân mỗi con người đều phải hy sinh quyền lợi riêng cho lợi ích chung. Tuy nhiên, dù khó cũng phải làm vì sự phát triển chung đòi hỏi cần thiết phải như vậy để xây dựng một nền hành chính phục vụ, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội.
- Hiện nay dư luận thường đề cập chỉ 1/3 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động có hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa việc có không ít người hưởng lương chỉ để "đi ra đi vào". Sở TN-MT giải quyết tình trạng này ra sao, thưa ông?
- Trong mạng thông tin của Sở, từ lãnh đạo các cấp đến nhân viên, từng ngày, từng tuần làm gì đều nằm trong kế hoạch, đã được phê duyệt, có kiểm tra, đôn đốc. Như vậy mới tránh được tình trạng làm việc thụ động, giao việc gì làm việc ấy, không thì làm việc riêng. Để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào hiệu quả công việc được giao, bình xét ngay từ cơ sở, mỗi tháng một lần. Ba tháng không hoàn thành nhiệm vụ thì xử lý, thậm chí chuyển công tác khác…
- Như vậy, đã rõ việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở TN-MT. Tuy nhiên, thực hiện cải cách hành chính nhà nước ngoài nội dung nêu trên còn có một công tác đặc biệt quan trọng là cải cách thể chế của nền hành chính như hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, không phù hợp… Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ông thấy còn những bất cập, vướng mắc gì cần nhanh chóng giải quyết?
- Vấn đề lớn nhất hiện nay là sự chồng chéo của một số luật. Lấy ví dụ như đối với các dự án nhà ở thì có những vấn đề liên quan trực tiếp trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với từng dự án thì Sở TN-MT phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương nơi triển khai dự án và 5-6 sở, ngành khác. Tương tự, để chấp thuận đầu tư, Sở Xây dựng cũng phải lấy ý kiến của từng đó cơ quan. Mới đây, có thêm thủ tục do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cũng như vậy. Các nội dung để cho ý kiến và văn bản trả lời của các sở, chính quyền địa phương về cơ bản cũng na ná như nhau, nhưng DN, chủ đầu tư dự án tốn không ít thời gian để thực hiện. Do đó, ngoài việc cần có sự liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, chấp thuận đầu tư đối với các dự án nhà ở, còn cần phải có sự điều chỉnh đối với từng luật cụ thể để có một tổng thể hoàn chỉnh trong công tác quản lý đối với từng lĩnh vực. Chỉ khi đó công tác cải cách hành chính nhà nước mới thu được hiệu quả tối đa.
PHÂN ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM
- Sở TN-MT đã có kiến nghị, tham mưu gì đối với các cấp để xóa bỏ những cản trở phát triển kinh tế - xã hội, những cản trở làm nản lòng các nhà đầu tư?
- Trong từng lĩnh vực cụ thể, để khắc phục sự chồng chéo, lãnh đạo Sở TN-MT đã có báo cáo cụ thể với Ban Chỉ đạo chương trình cải cách hành chính của thành phố. Bên cạnh đó, sau khi tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành tổng hợp những vướng mắc cần tháo gỡ, đề xuất với thành phố 8 nhóm giải pháp để nâng cao chỉ số tiếp cận về đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (một chỉ số thành phần để xây dựng PCI). Đặc biệt, ngày 14-1-2014, Sở TN-MT đã tham mưu với UBND thành phố để ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về "Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố". Chỉ thị này đã phân rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương (các xã, phường, thị trấn) cùng với những chế tài hết sức cụ thể như: "Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục" và "Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật"…
- Ông có kỳ vọng gì đối với những vấn đề nêu trên do Sở TN-MT tham mưu cho UBND thành phố?
- Nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-UBND chắc chắn công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực.
- Thưa ông, còn một vấn đề khác, đó là trong khi Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chỉ số tiếp cận về đất đai thì lại có không ít DN, chủ đầu tư để hoang hóa diện tích đất được giao hoặc thuê. Còn nhớ năm 2012, sau khi thanh tra, kiểm tra, Sở TN-MT Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi trên 8,1 triệu mét vuông đất của 11 tổ chức, DN trên địa bàn do những vi phạm pháp luật về đất đai. Đến nay tình trạng này đã chấm dứt chưa?
- Về vấn đề này, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch 12/KH-UBND kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội. Đây là công việc được tiến hành hằng năm. Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung rà soát hơn 700 DN được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 1-1-2009 đến 31-12-2013. Những nội dung kiểm tra gồm chậm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; để đất hoang hóa sau 12 tháng được bàn giao trên thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng dự án trái phép… Từ nay đến 31-5-2014 sẽ hoàn thành công tác kiểm tra, kết luận và xử lý.
- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi.