Có một Hà Nội “hóa thạch”
Văn hóa - Ngày đăng : 07:49, 22/03/2014
Ảnh: cpv.org.vn |
"Hà Nội hóa thạch" giới thiệu các tác phẩm tạo hình về công trình kiến trúc đặc trưng của Hà Nội. Bên ngoài mỗi tác phẩm được "phủ" lớp chất liệu tổng hợp trong suốt, màu vàng óng, nhìn vào có cảm giác những công trình này đã hóa thạch theo thời gian. Đó là 36 ngôi nhà trong khu phố cổ với kích thước 230x10cm, mỗi ngôi nhà được thể hiện trên 1 ô, không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào, giúp công chúng cảm nhận được sự tương đồng trong đa dạng từ những ngôi nhà cổ trong khu "ba mươi sáu phố phường Hà Nội". Đó còn là hình ảnh Tháp Rùa trong tác phẩm "Hồ Gươm", là Nhà thờ Lớn trong tác phẩm "Nhà thờ" hay chú Tễu ngộ nghĩnh, nhân vật không thể thiếu trong chương trình nghệ thuật múa rối nước quen thuộc. Bên cạnh đó là tác phẩm "Cổng làng", với nét kiến trúc đặc trưng của hệ thống cổng làng ở Hà Nội, đã từng xuất hiện trong triển lãm "Làng trong phố" năm 2011. "Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nhìn lại chiếc cổng làng thân quen gắn với tuổi thơ của thế hệ chúng tôi. Nó gợi nhớ những phút giây yên bình sau tiếng bom rơi, đạn nổ tại các làng ven đô trong thời chiến", ông Nguyễn Văn Nguyên, 78 tuổi, trú tại phường Đức Giang (Long Biên) nhận xét.
Điểm nhấn của triển lãm là tác phẩm "Cầu Long Biên" với 3 phiên bản có màu sắc đậm, nhạt khác nhau được sắp xếp theo "logic ngược". Cụ thể là hình ảnh cây cầu xa nhất hiện lên rõ nét nhất, đậm màu nhất; cây cầu gần nhất nhạt nhòa nhất, đó là cách chuyển tải tinh tế quan điểm của tác giả về công tác bảo tồn. Theo nghệ sĩ Vương Văn Thạo, cầu Long Biên là một trong những di sản văn hóa quý giá của Hà Nội nhưng giờ đang xuống cấp, phai mờ dần trong ký ức của nhiều người. Mong muốn cây cầu luôn nhận được sự quan tâm thích đáng, người họa sĩ yêu Hà Nội đã "hóa thạch" cầu Long Biên từ năm 2009, từng mang tác phẩm đi thi và giành giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Vương Văn Thạo đã tỏ lòng tri ân quê hương theo cách riêng. Anh sống ở thì hiện tại nhưng tâm hồn như dành cả cho quá khứ, cho vốn di sản văn hóa quý giá của Thủ đô. Những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm "Hà Nội hóa thạch" được anh sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay và đều là những "công trình" xưa cũ, cổ kính. Để có được các tác phẩm đó, anh không ngừng tìm kiếm, quan sát di sản rồi từng bước "mô hình hóa" chúng nhằm chuyển tải thông điệp về tình yêu Hà Nội, tình yêu di sản. Chia sẻ về những "đứa con" tinh thần của mình, nghệ sĩ Vương Văn Thạo cho rằng, giá trị ẩn sâu trong những công trình kiến trúc Hà Nội cổ chính là truyền thống văn hóa, phong tục, lối sống ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, vì thế, nó không thể mất đi. Bởi thế, những công trình kiến trúc cổ trong kho tàng di sản văn hóa Hà Nội luôn là đề tài mà anh ấp ủ, dành cho nó sự quan tâm đặc biệt.
Vương Văn Thạo còn trẻ, cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng anh đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". Một số tác phẩm "hóa thạch" của anh được Bảo tàng SAM Singapore và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm, giới thiệu… phần nào khẳng định tài năng và sức sáng tạo của anh. Với Vương Văn Thạo, nhiều di sản quý của Hà Nội sẽ tiếp tục được "hóa thạch", giúp công chúng "tự suy ngẫm về những giá trị mang tính lịch sử của thành phố và tự lựa chọn cách bảo tồn những giá trị đó theo cách của mình" như mong ước của anh.