Rút ngắn những khoảng cách pháp lý
Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 22/03/2014
Hệ thống đại lý thuế phát triển chưa tương xứng với nhu cầu hiện nay. |
Sau gần 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, song trên thực tế hệ thống ĐLT ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng với nhu cầu. Cả nước mới chỉ có 130 công ty hành nghề ĐLT - đây là con số khiêm tốn so với nhu cầu của NNT. Tại hội nghị của Hiệp hội Tư vấn thuế diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Takanori Hasegawa, chuyên gia của dự án JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - đơn vị đã hỗ trợ tiến trình phát triển ĐLT ở Việt Nam) cho biết, Nhật Bản hiện có khoảng 72.000 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề ĐLT và có 87% trong tổng số 3 triệu DN Nhật Bản sử dụng ĐLT. Các ĐLT thường có mối quan hệ rất tốt với cơ quan thuế, luôn hợp tác với cơ quan thuế để khai và nộp thuế đúng cho NNT. Với thực tế tại Việt Nam hiện nay, điều cần thiết nhất là phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của ĐLT phát triển.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, dịch vụ ĐLT sẽ giúp DN giảm nhiều chi phí, nhân lực cho việc tự tìm hiểu, cập nhật kiến thức về thủ tục thuế vốn liên tục được bổ sung, thay đổi. ĐLT cũng giúp cơ quan thuế giảm bớt gánh nặng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn NNT. Tại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động ĐLT thì đều có luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động này. Còn Việt Nam mới chỉ được quy định hoạt động của ĐLT tại Điều 20, Luật Quản lý thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính với phạm vi hoạt động bó hẹp trong việc làm thủ tục về thuế. Để nghề ĐLT ở Việt Nam phát triển và tạo thói quen cho NNT trong việc sử dụng ĐLT, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, mở rộng dịch vụ tư vấn thuế cho hoạt động này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động, lợi ích của ĐLT đến NNT.
Theo đánh giá của ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện nay đã dần được hệ thống hóa tốt hơn, phù hợp với yêu cầu quản lý từ phía cơ quan thuế và phần thực thi từ phía NNT. Các DN áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế. Tuy nhiên, sự tuân thủ pháp luật thuế của NNT trên thực tế chưa cao. Nhiều DN vẫn còn thói quen chờ đợi cơ quan thuế vào quyết toán và điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận. Vì vậy, việc tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục NNT tuân thủ, kê khai, nộp thuế đúng và đủ còn nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch phát triển hệ thống ĐLT đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2015, sẽ có ít nhất 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề ĐLT, tối thiểu 3% số NNT sẽ sử dụng dịch vụ này và ít nhất 80% số DN sẽ hài lòng với chất lượng dịch vụ do ĐLT cung cấp. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của ĐLT, tiến tới ban hành Luật ĐLT; trong đó sẽ bổ sung phạm vi hoạt động của ĐLT thông qua chính sách mở rộng các dịch vụ do ĐLT thực hiện, như tư vấn thuế dịch vụ, rà soát sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính... ĐLT cũng có chức năng đại diện cho NNT giải trình với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước khác các vấn đề về thuế theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu, cũng như có thể trực tiếp tham gia trong quá trình tranh tụng trước tòa về các vấn đề liên quan đến thuế của DN.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành chức năng và ĐLT phải đáp ứng 3 yếu tố: Chất lượng dịch vụ của ĐLT phải bảo đảm tính chuyên nghiệp; môi trường pháp lý cho ĐLT phát triển; sự đồng thuận giữa cơ quan thuế và NNT. Đây là những điều kiện cần thiết nhằm xây dựng một hệ thống ĐLT đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của NNT trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập hiện nay.