Thiếu cả hiểu biết và quy chế quản lý

Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 22/03/2014

(HNM) - Ngày 21-3, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tổ chức giao ban chuyên đề với cán bộ văn hóa của 29 quận, huyện, thị xã về hiệu quả quản lý, phát huy giá trị di tích (DT) trên địa bàn. Ý kiến từ những người tham gia quản lý DT cho thấy, sự hiểu biết chưa đầy đủ về công tác quản lý DT và việc thiếu quy chế tiếp nhận,


Ngựa sắt hiện diện” trong di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng (Gia Lâm).



"Nóng" chuyện "dị vật" tìm đường vào di sản

Khách quan mà nói, những vụ xâm hại DT, tạo "sóng" dư luận thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến việc đưa yếu tố mới vào DT. Đó là vụ sư trụ trì chùa Chàng Sơn (Thạch Thất) Thích Minh Phượng tự ý thay tượng cũ bằng tượng mới; là bức "tượng lạ" xuất hiện "tạm" tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm); là ngựa, áo giáp, roi sắt… "hiện diện" trong di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng (Gia Lâm)… Không phải là hiện vật cung tiến nhưng bức bình phong tại đền và lăng Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây) gây tranh cãi gay gắt cũng là "yếu tố mới" của di tích này. Tham quan nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội hiện nay, người ta dễ dàng thấy những đèn chùm hiện đại rực rỡ sắc màu, những sư tử đá nhe nanh, dữ tợn trước cổng hay tượng Quan Âm trắng toát trong sân chùa… Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, những "yếu tố mới" ấy vốn không phù hợp với các DT truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến: "Thành phố Hà Nội cũng như ngành văn hóa kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị DT dưới nhiều hình thức, nhưng, vì trách nhiệm chung, sự đóng góp ấy cần phải phù hợp với giá trị, ý nghĩa của DT".

Trước thông tin phản ánh nhiều chiều, cơ quan quản lý văn hóa các cấp đã vào cuộc để làm rõ từng vụ việc. Kết quả cho thấy, sự thiếu trách nhiệm của BQL DT cấp cơ sở là một trong những nguyên nhân khiến những hiện vật mới không phù hợp vẫn có "đường" vào DT và "ở lại" đó. Như đền Phù Đổng (Gia Lâm) đã có BQL DT từ lâu, do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, người quản lý và người trông coi DT đều được trang bị kiến thức quản lý nhà nước về DT nên không thể có chuyện Chủ tịch xã Phù Đổng kiêm Trưởng BQL DT đền Phù Đổng hiện nay không hiểu gì về Luật Di sản văn hóa. "Hành động vô tư tiếp nhận áo, ngựa, roi sắt của BQL DT đền Phù Đổng chỉ có thể giải thích là do chưa làm hết trách nhiệm quản lý, chứ không phải do thiếu kiến thức quản lý", ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định.

Theo ông Trương Minh Tiến, Sở VH-TT&DL cũng có phần trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc xâm phạm DT. Trước hết, đó là khâu tham mưu của ngành với các cơ quan quản lý cấp cao hơn chưa kịp thời; thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý DT chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Hà Nội nhận định: "Mặc dù những vụ việc nêu trên không phải là hiện tượng phổ biến nhưng cho thấy công tác quản lý DT của ngành văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở còn bất cập, hạn chế. Đã đến lúc BQL di tích cấp xã, phường, thị trấn cần được củng cố, tăng cường. Với các địa phương có nhiều DT thì ngoài ban quản lý chung, mỗi DT cần có một tiểu ban để nâng cao trách nhiệm quản lý". Đây cũng là kiến nghị của nhiều cán bộ phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện, thị xã.

Nói không với "hiện vật lạ"

Cho rằng việc đưa hiện vật mới không phù hợp vào DT ít nhiều ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan, làm sai lệch giá trị vốn có của DT, ông Trương Minh Tiến cho biết, thời gian tới Sở VH-TT&DL sẽ tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành văn bản pháp quy để nâng cao hiệu quả quản lý DT trên địa bàn, trong đó có quy chế tiếp nhận đồ công đức bằng hiện vật và quy chế hỗ trợ cho người trông coi DT. Trong khi chờ quy chế mới, ông Trương Minh Tiến yêu cầu các địa phương không tiếp nhận hiện vật mới khi chưa biết hiện vật có phù hợp với DT hay không, địa phương nào cố tình vi phạm sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bức bình phong lớn bằng xi măng trước lăng mộ Ngô Quyền hiện đã được dỡ bỏ. Ảnh: Quỳnh Trang



Ủng hộ chủ trương này, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm khẳng định, chỉ khi nào được sự cho phép của cơ quan chức năng, hiện vật áo giáp, ngựa và roi sắt mới được đưa trở lại đền Phù Đổng. Hiện tại, những hiện vật này đã được chuyển khỏi vị trí thờ tự và được bảo quản cẩn thận. Theo ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ, sư tử đá tại chùa Khai Nguyên sẽ được di dời trong thời gian tới.

Trước tình trạng hiện vật mới (nhiều nhà nghiên cứu văn hóa gọi là dị vật) ồ ạt "tấn công" DT trong thời gian gần đây, rõ ràng chủ trương không tiếp nhận hiện vật thờ tự không phù hợp với DT của ngành văn hóa Thủ đô là một trong những biện pháp khả thi, góp phần ngăn chặn sự biến dạng của DT.

Minh Ngọc