Trung Đông: Mặt trận của nước Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 06:07, 21/03/2014
Trong khi Nhà Trắng vẫn chưa nguôi ngoai vụ người đứng đầu Bộ Quốc phòng Israel hồi tháng 1 dám công khai chỉ trích nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông của Ngoại trưởng John Kerry là không đáng giá thì chính trị gia 64 tuổi này lại vừa "chọc giận" nhà bảo trợ Mỹ. Bộ trưởng Moshe Yaloon đã không hề e dè khi tuyên bố rằng: Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tỏ ra yếu đuối trong việc giải quyết vấn đề Iran và Tel Aviv không thể trông chờ gì ở Mỹ mà phải tự mình hành động để ngăn cản tham vọng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Việc Israel đe dọa đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân Iran đang đi ngược lại chính sách của Mỹ tại khu vực. |
Vốn được xem như cánh tay nối dài của Mỹ tại Trung Đông, những phát ngôn thể hiện thái độ "xấc xược" của Israel là điều Nhà Trắng rất khó chấp nhận. Quan trọng hơn, thời điểm mà chính quyền Do thái bộc lộ quan điểm đã buộc Washington phải "suy nghĩ". Trong khi chính quyền của Tổng thống B.Obama đang "đau đầu" trước những diễn biến tại Crimea thì việc "đàn em" Israel có dấu hiệu ly khai khỏi các chính sách của Mỹ tại khu vực là một chỉ báo cho thấy thời thế đã biến chuyển. Dù có thừa nhận hay không thì ở một góc độ nào đó, việc xử lý vấn đề Crimea một cách bài bản đã khẳng định hình ảnh một nước Nga đang trỗi dậy. Hệ quả tất yếu từ sự nổi lên của Mátxcơva là những thay đổi trong cán cân quyền lực quốc tế vẫn nghiêng về phía Mỹ và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Với lịch sử hợp tác trong giải quyết những hồ sơ tồn đọng như hạt nhân Iran, thúc đẩy hòa bình Trung Đông hay Syria…, mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Mátxcơva được cho là sẽ mang đến những tác động đặc biệt đối với khu vực Trung Đông.
Vốn có mối thâm tình với Iran trong quá khứ, sự ảnh hưởng của Nga với chính quyền Tehran đã quá rõ ràng. Vì thế, khi các thành viên của nhóm P5+1 (gồm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) "mặt nặng mày nhẹ" đương nhiên khó tránh khỏi việc bị chia rẽ trong việc tạo ra những áp lực cần thiết để buộc Iran chấm dứt tham vọng hạt nhân. Tại vòng đàm phán mới nhất, cả Mátxcơva và Washington đều nhấn mạnh cam kết về việc xóa bỏ mối đe dọa phổ biến nguyên tử của nước Cộng hòa Hồi giáo. Thế nhưng thế giới lo ngại những bất đồng về các vấn đề địa chính trị lớn hơn, cụ thể là khủng hoảng Crimea có thể sẽ khiến các bên theo đuổi những chương trình nghị sự riêng. Trong trường hợp này thì không phải Mỹ hay Nga, cũng không phải là các nước Arab mà chủ thể cảm thấy bất an nhất chính là Israel. Từ lâu, chính quyền Do thái đã xem quốc gia Hồi giáo là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Tel Aviv. Là đồng minh của lực lượng Hezbollah tại Lebanon, là người bạn thân thiết của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Israel xem việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với chính thể đang đơn độc giữa các quốc gia Arab. Một khi Tehran làm chủ được công nghệ nguyên tử thì cục diện Trung Đông, nơi Tel Aviv là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân sẽ thay đổi hoàn toàn. Lúc đó, sức mạnh độc tôn của chính quyền Do thái sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Vì vậy, việc Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaloon bóng gió về khả năng tiến hành một cuộc tấn công đơn phương nhằm dập tắt ước mơ hạt nhân của Iran không chỉ đơn giản là lời hù dọa. Trong bối cảnh Mỹ ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao trong vấn đề Iran thì sự "quay ngoắt 180o" của đồng minh "khó bảo" Israel phần nào phản ánh thực tế là trong mắt Tel Aviv, Mỹ không còn như xưa.
Thử thách đối ngoại này cũng đang cản trở những nỗ lực của Washington trong việc đưa người Israel và Palestine tới một thỏa thuận hòa bình. Bất chấp các chuyến đi như cơm bữa tới Trung Đông của Ngoại trưởng John Kerry, một hiệp định khung dự kiến phải hoàn thành trước thời hạn chót 29-4 vẫn chưa thành hiện thực. Tiếp tục xây dựng các khu định cư trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine mặc cho Mỹ phản đối gay gắt, chính quyền Thủ tướng B.Netanyahu coi việc Palestine phải công nhận nước này là Nhà nước Do thái - điều Mỹ không xem là chính đáng - là một điều kiện để tiến tới hòa bình. Đã công nhận sự tồn tại của Israel nhưng phía Palestine kiên quyết bác bỏ yêu sách này và cho rằng Tel Aviv cần phải được sự công nhận của LHQ như một Nhà nước Do thái trước khi đòi người Palestine chấp thuận. Ủng hộ yêu cầu này thì cũng đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ bác bỏ sự trở về của hàng triệu người Palestine Arab. Do đó, ngày càng xuất hiện những chỉ trích rằng đưa ra tiêu chuẩn không tưởng này thực chất chỉ là "trò bắt bí" để Israel trì hoãn việc trao cho người Palestine quyền tự quyết và một lãnh thổ có chủ quyền.
Vì lẽ đó, dàn xếp ổn thỏa các vấn đề tại Trung Đông và ngăn chặn người anh em Israel "thừa nước đục thả câu" giữa lúc đang phải tìm cách đối phó trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga là nhiệm vụ bắt buộc của Washington. Mặt trận Trung Đông không chỉ gắn liền với lợi ích lâu dài mà còn là nơi thể hiện uy tín, vị thế siêu cường của nước Mỹ.