Tái hiện “Việt Nam những năm 70” qua nghệ thuật múa đương đại

Văn hóa - Ngày đăng : 14:44, 20/03/2014

(HNMO)- Đoàn múa “Nơi đến” một lần nữa lại tái hiện xã hội “Việt Nam những năm 70” qua nghệ thuật múa đương đại. Chương trình sẽ diễn ra trong 2 tối 25/3 và 26/3/2014 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội. Dự án được tài trợ bởi CDEF - Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa Việt Nam - Đan Mạch.


Tiết mục biểu diễn của đoàn múa "Nơi đến".



Việt Nam những năm 70 - một giai đoạn lịch sử đầy biến động, mà khi nhắc đến, nhớ đến ta lại thấy đầy ắp những sự kiện, đầy ắp những cảm xúc trái chiều về một giai đoạn lịch sử của đất nước, những hình ảnh về sự hy sinh, sự hoảng loạn, niềm vui, nỗi buồn và sự bối rối, sự chia ly, ngày gặp mặt, ngày ra đi và sự câm lặng…

Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí công bố dự án “Việt Nam những năm 70”, Giám đốc đoàn múa “Nơi đến” – Lê Vũ Long cho biết, chúng ta thường được xem trên sân khấu những hình ảnh một chiều về thời kỳ cuối chiến tranh và thời kỳ hậu chiến, về những lý tưởng và hình tượng được đóng khung theo một phương hướng được định trước. Với “Việt Nam những năm 70”, chúng ta sẽ đến với những câu chuyện đi sâu hơn về chủ đề con người, được lấy cảm hứng từ những sự kiện, con người, hình ảnh của những năm 70, những điều đã và đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới cuộc sống của chúng ta, qua cách kể chuyện của các biên đạo múa thông qua những chuyển động tinh tế và nhạy cảm của nghệ thuật múa đương đại.

Chương trình năm nay có 4 biên đạo nổi tiếng của nghệ thuật múa đương đại Việt Nam cùng đồng hành, giới thiệu những tác phẩm mới là: Quách Phượng Hoàng, Quách Hoàng Điệp, Nguyễn Dũng và Trần Ly Ly.

Biên đạo Quách Hoàng Điệp sẽ mang đến tác phẩm “Không gian gốc”, nói về những năm 70, trẻ con thường bị nhốt cả ngày trong những căn nhà khóa kín. Các bậc cha mẹ tự cho rằng mình đang bảo vệ an toàn cho bé con ngốc nghếch dại dột…Những đứa trẻ chấp nhận việc đó một cách vô thức. Chúng tự tìm cách khác để lặn chìm vào trong thế giới của riêng nó… Ai cũng có một căn nhà bị khóa trong tâm hồn mình, nhưng quan trọng là người ta sẽ chọn cách nào để mở khóa?

Tác phẩm “Bến đợi” của Nguyễn Dũng là sự khắc khoải trong tâm tư của những người “đợi” với nỗi nhớ vô hình. Sợi dây trong suốt gắn kết những con người. Liệu “Bến đợi” có phải là sự hy sinh của người “đợi” hay nó là ý nghĩa sống của cuộc đời họ.

Tác phẩm “7X” của Trần Ly Ly lại là câu chuyện của một cá nhân lớn lên qua các thời kỳ thay đổi của xã hội. Bởi sự ảnh hưởng này, những mâu thuẫn nội tâm bắt đầu tự xuất hiện và phát triển.

“Tế bào” của Quách Phượng Hoàng lại nói về: Trong cái chết vẫn có những sự sống tồn tại. Cái tế bào lan rộng và tạo ra những sinh khí của một sức sống mãnh liệt.

Riêng nghệ sỹ Lê Vũ Long cũng có một tác phẩm mới đó là “Một tập thể các cá nhân” với sự trình diễn của Đoàn múa Nơi đến, gồm các nghệ sỹ: Nguyễn Thị Anh Đào, Trần Anh Dũng, Cao Xuân Huy, Thái Trần Linh. Tác phẩm “Một tập thể các cá nhân” sẽ được trình diễn vào đêm 25/3/2014. Đã 4 năm, sau dự án “Ký ức thở dài” (2010) do đoàn múa “Nơi đến” thực hiện giới thiệu các tác phẩm mới của các tác giả múa đương đại.

T.Minh