Lo cho khâu chuẩn bị lực lượng

Thể thao - Ngày đăng : 07:01, 20/03/2014

(HNM) - Ngày 18-3, Bộ VH,TT& DL đã có phiên giải trình với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến phát triển thể thao thành tích cao, trong đó có việc chuẩn bị cho ASIAD năm 2019.


Với các quốc gia đăng cai, sức ép về thành tích thi đấu của đoàn VĐV chủ nhà có tầm quan trọng không kém với khâu tổ chức. Các quốc gia đăng cai ASIAD đều nỗ lực đạt thành tích tốt hơn hẳn so với các kỳ tham dự trước đó. Rõ nhất là năm 2006, khi đăng cai ASIAD 15, nước chủ nhà Qatar đã đầu tư kỹ lưỡng cho đoàn VĐV của mình, thậm chí có hẳn dàn VĐV nhập tịch hùng hậu. Kết quả là từ vị trí xếp hạng trung bình trong làng thể thao châu lục, Qatar đã lọt vào nhóm 10 nước dẫn đầu, giành 9 HCV, 12 HCB, 11 HCĐ. Cần biết rằng, ở ASIAD 14, đoàn Qatar chỉ giành được 4 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ, xếp hạng 17, sau đoàn Việt Nam (hạng 15).

Các VĐV teakwondo tập luyện tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội.Ảnh: Bảo Lâm



Đăng cai ASIAD 2019, thể thao Việt Nam mạnh dạn hướng đến vị trí hạng 6 - 10. Muốn hoàn thành mục tiêu này, ít nhất chúng ta phải giành được 10 - 15 HCV. Đó là một mục tiêu mang tính thách thức rõ ràng bởi trong lịch sử chưa bao giờ thể thao Việt Nam giành được quá 4 HCV tại một kỳ ASIAD. Trong 3 kỳ ASIAD gần đây, thành tích của đoàn Việt Nam… tụt dần đều, từ việc giành 4 HCV tại ASIAD 2002 xuống còn 3 HCV tại ASIAD 2006 và tới ASIAD 2010 thì chỉ giành được 1 HCV. Như vậy, mốc 10 - 15 HCV tại ASIAD 2019 mà chúng ta đặt ra đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có bước chuyển về chất trong vòng 5 năm tới. Đầu tiên, cần phải có phương án đầu tư cho việc chuẩn bị lực lượng bài bản, dài hơi.

Đến lúc này, để có thể gây dựng một lứa VĐV mới hoàn toàn nhằm chuẩn bị cho ASIAD 2019 là không thể, bởi chu trình đào tạo nhắm tới mục tiêu đoạt HCV cần khoảng thời gian ít nhất từ 8 đến 10 năm, thể thao Việt Nam không còn đủ quỹ thời gian. Lúc này, phương án chuẩn bị lực lượng dựa trên những VĐV trẻ sẵn có hiện nay là tối ưu. Ngành thể thao đã đề ra giải pháp đầu tư cho 50 VĐV trọng điểm ở các môn như cử tạ, rowing, điền kinh, bơi, karatedo, taekwondo, wushu, cầu mây... kèm theo đó là chế độ tập huấn, dinh dưỡng... Theo ước tính, cần chi khoảng 2 tỷ đồng/năm cho số VĐV này trong suốt 5 năm tới. Ngoài 50 VĐV trọng điểm, thể thao Việt Nam còn phải đầu tư cho nhóm VĐV khác có khả năng đoạt Huy chương ASIAD 2019, chắc chắn mức đầu tư cho nhóm này không thua kém quá nhiều so với nhóm trọng điểm.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tuy đã có kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 2019 nhưng khoản đầu tư cho nhóm VĐV có khả năng giành huy chương của ngành thể thao chưa biết bao giờ mới được phê duyệt. Hiện tại, trong nhóm môn được kỳ vọng đoạt HCV tại ASIAD 2019, mới chỉ có bộ môn bơi chủ động đi trước với một kế hoạch dài hơi dành cho những kình ngư tốt nhất Việt Nam.

Trong tình thế hiện nay, khi công tác chuẩn bị lực lượng tham dự ASIAD 19 còn có độ trễ nhất định và dựa trên mặt bằng trình độ của VĐV Việt Nam so với tốp đầu châu lục, việc hoàn thành mục tiêu thành tích tại ASIAD 2019 không chỉ phụ thuộc vào ý chí phấn đấu của các tuyển thủ, mà còn phải trông chờ vào yếu tố may mắn. Chẳng hạn như với vị thế của nước chủ nhà, chúng ta có thể đưa vào chương trình thi đấu 3 môn thể thao thế mạnh, chẳng hạn như đá cầu, vovinam...

Muốn đạt được mục tiêu huy chương, qua đó tạo động lực thúc đẩy nền thể thao phát triển nhanh, mạnh mẽ thì ngay từ bây giờ, khâu chuẩn bị lực lượng và những điều kiện thực hiện phải được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Minh Quang