Trọng trách nặng nề

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 20/03/2014

(HNM) - Gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và 22/27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã công nhận Kosovo, một tỉnh đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Belgrade.

Kosovo đã trở thành một viện dẫn mà Nga sử dụng để liên hệ với vấn đề Crimea. 15 năm sau các cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gần 6 năm sau khi tuyên bố là quốc gia độc lập, cái tên Kosovo đã xuất hiện trở lại trên diễn đàn quốc tế sau một thời gian tạm lắng trước những biến cố dồn dập của nền chính trị, kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với Serbia, vấn đề Kosovo chưa bao giờ bị lãng quên. Không chỉ là một vùng lãnh thổ mà Belgrade chưa thừa nhận sự ly khai, miền đất chỉ rộng gần 11.000km2 còn đang nắm giữ khát vọng và tương lai của quốc gia này.

Thắng lợi của SNS trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây đưa ông Aleksandar Vucic trở thành Thủ tướng Serbia.



Với đảng Cấp tiến Serbia (SNS) trung hữu cầm quyền vừa giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn hôm 16-3 cũng vậy. Sự ứng xử trong vấn đề Kosovo sẽ tiếp tục là một thử thách với tân Chính phủ Serbia đang bắt đầu thành lập sau chiến thắng vang dội của SNS với 48,9% phiếu bầu. Sở hữu khoảng 160/250 ghế Quốc hội, kết quả không bất ngờ của cuộc tổng tuyển cử đã đưa Chủ tịch SNS Aleksandar Vucic tới chiếc ghế thủ tướng một cách thuận lợi. Tham gia SNS năm 1993, từ một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và có quan hệ thân thiết với cố Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, chính trị gia 44 tuổi nổi bật trên chính trường với quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực về cùng một mái nhà với 27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Mục tiêu này cũng được ông A.Vucic đặt ra trong bài phát biểu chiến thắng bên cạnh những cam kết thúc đẩy cải cách kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp tràn lan, đẩy mạnh chống tham nhũng và xây dựng một nhà nước minh bạch tại quốc gia Balkan.

Tuy nhiên, niềm mong mỏi của đại đa số người dân Serbia vẫn đang bị ngáng trở bởi "rào cản" Kosovo. Cho dù mối quan hệ giữa hai đối thủ một thời EU - Serbia đã có những cải thiện khá nhanh chóng, nhưng Brussels vẫn kiên quyết giữ lập trường không thay đổi rằng cánh cửa EU chỉ mở ra chừng nào Belgrade chấp nhận thực tế là bản đồ Serbia sẽ không có Kosovo. Đương nhiên, với một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không phải là chuyện dễ dàng để mang ra "mặc cả". Serbia từng giận dữ tuyên bố sẽ tẩy chay EU như một sự trừng phạt việc nhiều thành viên liên minh công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Tuy nhiên, áp lực phải củng cố nền kinh tế èo uột trong nước khiến Belgrade nhận thấy rằng, nếu không có những thỏa hiệp khôn khéo thì rất có thể Serbia lại trừng phạt chính mình. Dưới sự "giúp đỡ" của EU, Belgrade có các cuộc đàm phán với các lãnh đạo Kosovo để dẫn tới một thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ với vùng đất này vào tháng 4 năm ngoái. Sự nhượng bộ đầy khó khăn của Serbia cho thấy nỗi khát khao đẩy nhanh quá trình gia nhập vào đại gia đình Châu Âu mà người dân nước này luôn xem là nơi mà họ thuộc về.

Vì thế, trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận từ trước đến nay, đại đa số người Serbia đều khẳng định mong muốn đất nước Balkan liên kết với EU càng nhanh càng tốt. Không chỉ để bước qua quá khứ chiến tranh, lựa chọn này cũng mở ra con đường rộng hơn để Belgrade tiếp cận với nguồn vốn mới, một thị trường dồi dào cho các lao động Serbia hay một thị trường hàng hóa phong phú và nhộn nhịp… Cũng nhờ đó, người dân Serbia sẽ được trao tấm hộ chiếu EU với việc tự do đi lại trong không gian Schengen mà không cần thị thực hoặc bất kỳ sự xin phép nào.

Do đó, việc tiếp tục hành trình tới EU vốn đã được bắt đầu từ 5 năm trước chắc chắn vẫn là chủ đích của chính phủ mới dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 7 tới của Serbia. Ngoài việc thực hiện nguyện vọng của dân chúng, những khó khăn chồng chất về kinh tế đang đối mặt cũng là đòn bẩy để quốc gia 7,2 triệu dân không thể đảo ngược lộ trình. Chỉ có khoảng 8 tỷ euro ngân sách hàng năm, nhưng bộ máy nhà nước cồng kềnh với 700.000 nhân viên và 1,7 triệu cán bộ hưu trí khiến Belgrade luôn trong tình trạng khó khăn về tiền bạc. Con số 1/5 lực lượng lao động không công ăn việc làm cũng trở thành gánh nặng xã hội rất lớn buộc lãnh đạo nước này phải mở rộng thị trường và tìm kiếm những đối tác kinh tế. Trong mọi trường hợp thì EU là đáp án khả quan nhất. Thế nhưng, "tấm vé" Kosovo mà Serbia phải trả để bước vào ngưỡng cửa rộng lớn này cũng quá đắt giá. Thực tế là, EU không có lý do để phải thay đổi điều kiện của mình và Belgrade cũng chưa có gì để buộc liên minh lớn nhất thế giới phải "xuống thang".

Vân Khanh