Dành trọn tình yêu cho khoa học
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:45, 20/03/2014
Hơn 30 năm "cháy" hết mình với những công trình nghiên cứu khoa học, năm 2013, niềm hạnh phúc lớn đã đến khi chị vinh dự là một trong hai nhà khoa học được nhận giải thưởng danh giá mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc Kovalevskaia. Đây là một giải thưởng lớn, có ý nghĩa quốc tế, tôn vinh các tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội được ứng dụng thành công trong thực tiễn tại Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy (người thứ 2 bên trái) cùng cộng sự nghiên cứu sơn ứng dụng. |
Một đời vì khoa học
Tôi đến gặp chị vào một buổi chiều muộn, khi thành phố đã lên đèn. Hành lang dãy nhà làm việc của Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải (Viện KHCN) vắng lặng, tất cả các phòng đều khóa cửa, duy chỉ căn phòng nằm cuối tầng 4 - dãy nhà E đèn vẫn sáng. PGS-TS Bích Thủy vẫn cặm cụi bên những thùng nhựa đường để phục vụ cho một công trình khoa học mà chị và đồng nghiệp đang trong quá trình nghiên cứu. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 7h và trở về nhà vào 19h. Vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học, vừa đảm đương vai trò một người mẹ, người vợ trong gia đình... với chị, quãng thời gian 24h mỗi ngày dường như quá ít ỏi. Sinh năm 1958 trong một gia đình trí thức ở huyện Đông Anh, Hà Nội, bố là PGS Nguyễn Thượng Uông - Viện Phó Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế, tình yêu khoa học đã "thấm" vào chị ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1980, cô kỹ sư ngành công nghệ hóa dầu đã dành đam mê cho những công trình nghiên cứu khoa học tại Phòng Động cơ nhiên liệu - Viện KHCN và đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Suốt những năm tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm và những chuyến đi thực địa, chị nhận thấy việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực vật liệu - bảo vệ công trình cần gắn với hướng phát triển của các ngành đường bộ, đường sắt, cảng biển... bằng việc ứng dụng các kết quả thí nghiệm vào việc xây dựng các công trình và phương tiện của ngành giao thông vận tải (GTVT). Chính vì vậy, PGS-TS Bích Thủy đặc biệt quan tâm đến hoạt động đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhằm sớm đưa các sản phẩm đã nghiên cứu thành công vào thực tế sản xuất. Dành trọn tâm huyết cho các công trình nghiên cứu khoa học, hơn 30 năm công tác tại Viện KHCN, sức làm việc của PGS-TS Bích Thủy khiến các đồng nghiệp nể phục khi lần lượt chủ trì 29 đề tài và tham gia trong 40 đề tài khoa học lớn, nhỏ. Trong số đó, chị và các cộng sự đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ có tính ứng dụng cao: Quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm; sơn men có tuổi thọ trên 15 năm; sơn bảo vệ kết cấu thép thân thiện với môi trường; chế tạo vật liệu mới sử dụng trong chỉ dẫn giao thông... Tất cả đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ hữu ích nhu cầu phát triển bền vững của ngành GTVT. Bên cạnh đó, PGS-TS Bích Thủy còn tích cực tham gia xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT, tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động thiết kế, thi công, nghiệm thu và kiểm soát chất lượng các vật liệu mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình GTVT...
Không chỉ dành đam mê cho nghiên cứu khoa học, PGS-TS Bích Thủy còn tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, tham gia đào tạo sau đại học cho Trường ĐH Bách khoa, Viện Khoa học và công nghệ xây dựng, Viện Khoa học và công nghệ GTVT. Chị quan niệm, giảng dạy chính là cách tốt nhất để truyền tải những kiến thức có được từ thực tế nghiên cứu và "truyền lửa" đam mê nghiên cứu khoa học cho đội ngũ kế cận... Hơn 30 năm gắn bó với Viện KHCN và những công trình nghiên cứu, với chị, việc chế tạo ra những sản phẩm hữu ích đã trở thành động lực, niềm say mê không thể thiếu trong cuộc sống. Bởi vậy, dù đã nghỉ hưu, chị vẫn được giữ lại làm nghiên cứu viên cao cấp tại Viện và tiếp tục chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác...
Tình yêu với những cây cầu
Nhắc đến PGS-TS Bích Thủy, người ta không thể không nói đến những nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sơn ứng dụng. Đi dọc chiều dài đất nước, hầu như con đường, cây cầu nào cũng có đóng góp của chị. Trong hàng loạt sản phẩm khoa học ứng dụng được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực tiễn, chị đặc biệt tâm huyết với những sản phẩm sơn. Nổi bật trong số đó là 10 quy trình công nghệ sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 5-10 năm; sơn men tuổi thọ trên 15 năm... đã được sử dụng hiệu quả tại hàng loạt công trình lớn: Cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu Hồ (Bắc Ninh), cầu Chương Dương (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và hàng loạt cây cầu phục vụ ngành đường sắt... Công tác tại Viện KHCN trong một thời gian dài, nhưng phải đến năm 1994, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được điều về Phòng Hóa của Viện, PGS-TS Bích Thủy mới có "cơ duyên" gắn bó với những cây cầu. Từ những chuyến đi thực địa, tận mắt chứng kiến những cây cầu được đưa vào sử dụng không lâu nhưng đã bị ăn mòn do dùng sơn không phù hợp điều kiện khí hậu, chị càng nhận ra sơn và tuổi thọ của sơn thực sự là vấn đề nhức nhối trong những công trình của ngành GTVT. Chị quyết định phát triển nghiên cứu và sản xuất sơn phục vụ các công trình giao thông. Cũng từ đó, chị và các cộng sự đi khắp nơi, có mặt tại nhiều công trình dọc chiều dài đất nước, thực hiện hàng trăm mẫu thí nghiệm với các loại sơn ngoài thị trường để tìm ra những loại sơn "đặc chủng" cho các công trình giao thông. Càng đi sâu nghiên cứu về sơn, chị càng cảm thấy hấp dẫn. Tình yêu với những màu sơn đã giúp chị và cộng sự lần lượt cho ra đời hàng loạt sản phẩm sơn công nghệ cao, sơn men cho độ bóng, tăng tính trang trí và khả năng chịu thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giúp kéo dài tuổi thọ công trình. Tôi hỏi chị vì sao lại chọn nghiên cứu một lĩnh vực khó, vốn là "mảnh đất riêng" của cánh mày râu? Chị cười, chia sẻ: "Sơn cũng giống như một người phụ nữ đẹp, vẻ đẹp càng kiêu sa, họ càng đỏng đảnh. Vì vậy, muốn nghiên cứu và tạo ra một sản phẩm sơn, trước tiên người làm khoa học phải có tính kiên trì, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, tất cả công sức sẽ trôi sông. Mỗi lần tạo ra một sản phẩm sơn thành công, giúp những cây cầu vừa đẹp hơn, vừa tăng tuổi thọ, tôi lại có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục công tác nghiên cứu...".
Trong những năm được giao trọng trách là Giám đốc Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, PGS-TS Bích Thủy luôn nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong nỗ lực tìm và đảm nhận các dự án nghiên cứu ứng dụng, góp phần tăng thu nhập và bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên. 5 năm trở lại đây, doanh thu của Viện liên tục tăng nhanh, từ con số 5,8 tỷ đồng năm 2007 lên 10,8 tỷ đồng năm 2011 và đạt 17 tỷ đồng năm 2013. Đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ mạnh trong lĩnh vực sơn phủ ăn mòn, đủ năng lực cạnh tranh với sơn của nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới. Đến nay, tuy đã nghỉ hưu, nhưng tình yêu và niềm say mê nghiên cứu của PGS-TS Bích Thủy vẫn căng tràn.