Đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 20/03/2014
Tại hội nghị, đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cho rằng, sau 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cũng bộc lộ một số vấn đề như quy định của luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội còn chung chung, trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các luật khác; nhiều quy định chưa có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nên chưa được thực thi hoặc tính khả thi thấp.
Một số thành viên Hội đồng Tư vấn cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội phải cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, quy định rõ các quyền lập hiến, lập pháp, hành pháp thuộc cơ quan nào và gắn quyền với trách nhiệm; làm rõ hơn, đề cao trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhân dân. Đặc biệt, phải nâng tầm đại biểu Quốc hội để thực sự là đại biểu của nhân dân, có quyền hạn rõ ràng với các cơ quan hành pháp. Bên cạnh đó, một số thành viên Hội đồng Tư vấn nhấn mạnh các nội dung về kiểm soát quyền lực, các vấn đề liên quan đến MTTQ, trưng cầu ý dân, nâng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội…