Xử lý ô nhiễm nước ao hồ trên địa bàn Hà Nội: Cần tiếp tục nhân rộng

Xã hội - Ngày đăng : 06:11, 20/03/2014

(HNM) - Với trên 110 ao hồ, hệ thống các ao hồ ở Hà Nội không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, giảm thiểu úng ngập mà còn tạo cảnh quan, không gian đẹp cho thành phố.



Tuy nhiên, thực trạng thời gian qua nhiều ao, hồ trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng đã trở thành nỗi bức xúc không chỉ của người dân sống gần khu vực ao hồ mà của cả các cấp chính quyền…

Công nghệ xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm kết hợp thả bè thủy sinh được áp dụng tại hồ Ngọc Khánh.


Xử lý thí điểm

Tìm giải pháp "cứu" hồ trên địa bàn Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã ra Nghị quyết 03/2009/NQ-HĐND ngày 17-7-2009 thông qua Đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo đó, từ tháng 10-2009, Sở TN-MT Hà Nội tiến hành triển khai chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn thành phố. Các ao, hồ được cho vào "tầm ngắm" để tìm giải pháp hồi sinh môi trường, chất lượng nước trong giai đoạn đầu tiên được kể đến là: Hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Kim Liên, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Văn Quán, Võ Quán, Đền Lừ, ao đình Ngọc Hà và hồ Dài. Thực tế, hầu hết các hồ trên địa bàn Hà Nội đều đã và đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Và những hồ được lựa chọn thí điểm nằm trong diện "cấp bách", cần "cứu" nhất.

Trên cơ sở phương án xử lý ô nhiễm nước được Tổ công tác liên ngành (đại diện các sở, ngành và nhà khoa học được thành lập theo Quyết định 2539/QĐ-UBND ngày 12-12-2008 của UBND thành phố) lựa chọn công nghệ, Sở TN-MT đã trình thành phố lựa chọn các đơn vị tham gia thử nghiệm. Có 4 công nghệ thử nghiệm thành công được Sở TN-MT lựa chọn gồm: Công nghệ "Xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực" của Công ty cổ phần Xanh, áp dụng đối với những hồ có lượng nước thải bổ cập nhiều; công nghệ "Phục hồi cảnh quan hồ bằng giải pháp tổ hợp sinh học kết hợp phương pháp kết tủa" của Viện Hóa học, áp dụng với những hồ tĩnh; công nghệ dùng tổ hợp giải pháp cơ - sinh - hóa học do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), áp dụng với những hồ có lượng nước thải bổ cập phù hợp công suất trạm xử lý, có vị trí, diện tích và nguồn điện để lắp đặt trạm xử lý trên bờ hồ; công nghệ "Vi sinh IDRABEL - Vương quốc Bỉ" của Viện Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh phối hợp với Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường), áp dụng cho những hồ có trầm tích và bùn đáy nhiều, lượng nước thải bổ cập ít.

Ông Tạ Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết: Hiệu quả xử lý ô nhiễm nước hồ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về cảm quan, nước hồ trong, không còn mùi, cảnh quan sạch đẹp hơn. Về quan trắc, hầu hết các chỉ tiêu nước hồ được xử lý đã tiệm cận QCVN 08:2008 cột B2 và đạt QCVN 24:2009. Mặc dù vậy, trong số 12 hồ được thử nghiệm, vẫn còn 2 hồ là hồ Dài và ao đình Ngọc Hà chất lượng môi trường nước chưa được cải thiện. Nguyên nhân là do lượng nước thải bổ cập vào hồ quá lớn; việc nạo vét bùn đáy hồ chưa được thực hiện triệt để khiến công tác xử lý gặp thất bại.

Tiếp tục triển khai, nhân rộng

Tìm hiểu thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các ao, hồ trên địa bàn Hà Nội là do nhiều hồ đang là những "hố ga" lộ thiên thu nước thải sinh hoạt. Quá trình tiếp nhận, tích tụ nước thải diễn ra trong thời gian dài; cộng với việc không có dòng nước động trao đổi nước trong và ngoài hồ làm phát sinh mật độ tảo dày đặc, lượng bùn lắng lớn, chất hữu cơ tăng cao khiến nồng độ ô nhiễm nặng, nước bốc mùi hôi thối. Việc đầu tư cải tạo, tách nước thải sinh hoạt không cho chảy vào hồ đang là một trong những nhiệm vụ cần làm hiện nay nhằm ngăn chặn ngay từ đầu nguồn phát sinh ô nhiễm.

Sau quá trình thử nghiệm, các hồ đã xử lý ô nhiễm môi trường nước thành công được bàn giao về cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các quận để quản lý, tiếp tục công tác duy trì chất lượng nước hồ. Trao đổi về công tác này, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật môi trường nước (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết: "Công ty tiếp nhận và tiến hành duy trì xử lý 8 hồ từ năm 2011 đến nay. Đồng thời, trong thời gian qua cũng phối hợp các quận, huyện tiến hành xử lý các hồ khác như: Hồ Văn Chương, Tai Trâu, Phương Liệt 2, Long Đình…, theo quy trình công nghệ đã được duyệt". Mặc dù vậy, bà Nga cũng thừa nhận, do phần lớn các hồ hiện nay đều có chức năng là hồ điều hòa nên dù đã có những hồ được đầu tư tách nước thải sinh hoạt, song khi có mưa lớn vẫn tiếp nhận nước phát sinh kèm đất, rác nên nếu không được duy trì xử lý vẫn "tái" ô nhiễm. Vì vậy, kể cả các hồ đã được xử lý ô nhiễm, trung bình 3-4 tháng, đơn vị này lại định kỳ tái xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ đã được Sở TN-MT, các đơn vị chức năng hướng dẫn, chuyển giao. Trong khi đó, một trong những khó khăn trong công tác duy trì chất lượng nước hồ hiện nay là việc tại nhiều hồ (Ngọc Khánh, Xã Đàn…) vẫn đang được khai thác nuôi thả cá kinh doanh. Mật độ nuôi cá dày đặc, cộng thức ăn chăn nuôi là nguồn gây ô nhiễm nước hồ.

Với chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước ao, hồ, đã có nhiều hồ trên địa bàn Hà Nội được "cứu". Việc nhân rộng xử lý ô nhiễm các ao, hồ trên địa bàn Hà Nội là mong mỏi của nhiều người dân, bảo đảm môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, bên cạnh công việc của chính quyền, rất cần cộng đồng dân cư "ủng hộ" bằng việc không vứt phế thải, rác xuống hồ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật môi trường nước (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội): Mặc dù tại cuộc họp triển khai, thành phố đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường hồ Hà Nội, tuy nhiên đến nay chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào "nhảy" vào thực hiện. Ngoài nguyên nhân về suy thoái kinh tế thì việc doanh nghiệp đầu tư "làm ăn có qua - có lại" cũng khó có thể đáp ứng được đòi hỏi của các đơn vị này bởi việc khai thác hồ, nuôi thả cá không được thành phố khuyến khích, trong khi đó việc tổ chức kinh doanh khu vực hồ cũng khó được chấp nhận do có thể là nguồn gây ô nhiễm môi trường hồ.

Bài, ảnh: Dạ Khánh