Đề cao quyền con người, tạo động lực phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 18/03/2014
Đặc biệt trong đó, vấn đề quyền con người được coi là một "điểm nhấn", khẳng định việc kế thừa và phát triển nhiều nội dung về nhân quyền từ các Hiến pháp và các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước trước đó; hấp thụ và chuyển hóa sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn nhân quyền; đáp ứng nghiêm túc các yêu cầu đối với một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền nói riêng, thành viên LHQ nói chung.
Chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước
Điều dễ nhận thấy, lần đầu tiên trong văn bản Hiến pháp viết hoa chữ “Nhân dân”. Vai trò của Nhân dân không chỉ thể hiện qua cách “nhấn” đó, mà đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi; chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực Nhà nước ta là ở Nhân dân, thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Điều 2 Hiến pháp sửa đổi khẳng định“Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nguyên lý đó được quy định trong tất cả các Hiến pháp trước đây nhưng điểm mới của Hiến pháp sửa đổi là tư tưởng này được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ nội dung. Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi đã nêu rõ, Nhân dân Việt Nam là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, tiếp đó các hình thức Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước đã được bổ sung và hoàn thiện, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như quy định trong các Hiến pháp trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (Điều 6), bằng biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp (Điều 29 và Điều 120).
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước; phương tiện để Nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực Nhà nước của mình, đó là thực hành quyền lập hiến. Bằng quyền lập hiến, Nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Tòa án. Như vậy, quyền lập hiến là quyền lực tối cao so với quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền lập hiến là quyền thể hiện một cách trọn vẹn nhất quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.
Mặt khác, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta “là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân” (khoản 1 Điều 2), Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực Nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực Nhà nước là thống nhất, không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (khoản 3 Điều 2). Để kiểm soát quyền lực Nhà nước đòi hỏi phải hình thành cơ chế bao gồm kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên trong bộ máy Nhà nước, giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên ngoài - chính là sự kiểm soát của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong các chương của Hiến pháp sửa đổi về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện kiểm sát đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để Nhân dân có thể đánh giá, kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Đề cao quyền con người, quyền công dân
Nhân quyền vừa là kết quả, thước đo, vừa là động lực cho sự phát triển, ổn định của một quốc gia văn minh. Quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa, đặc biệt là quyền có việc làm, nhà ở, học tập, được chăm sóc sức khỏe... ngày càng trở thành những quyền cơ bản, thiết thực và có ý nghĩa cao nhất về nhân quyền. Một trong những nội dung đổi mới, là bước tiến quan trọng của Hiến pháp sửa đổi là đề cao nhân quyền như tổng hòa quyền con người và quyền công dân, từ đó thể chế hóa quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đồng thời xác lập trách nhiệm bảo đảm những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Hiến pháp sửa đổi khẳng định, các quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Trước đây, Chương 5 Hiến pháp năm 1992 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp sửa đổi đã mở rộng tên chương là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và đặt tại Chương 2, ngay sau Chương 1 quy định về chế độ chính trị, để khẳng định vị trí quan trọng của quyền con người, quyền công dân và cam kết của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đúng như Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Chương 2 của Hiến pháp sửa đổi là chương có số lượng điều nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) quy định quyền con người, quyền công dân, được thể hiện một cách đầy đủ, chính xác, có tính khả thi cao. Các quy định này theo hướng mở rộng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Đặc biệt với Hiến pháp sửa đổi, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền được bảo đảm an sinh xã hội của mọi người dân được chính thức khẳng định thành một điều riêng (Điều 34). Quyền này được xác lập, thực hiện cùng với quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Phụ nữ được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Thanh niên được học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ. Người cao tuổi được tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Đây chính là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa Hiến pháp trong đời sống bằng các luật. Ngay khi Hiến pháp có hiệu lực thì trong kế hoạch triển khai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch thi hành Hiến pháp, trong đó ưu tiên các luật liên quan đến tổ chức bộ máy để rà soát, sửa đổi; các quyền tự do báo chí, lập hội, biểu tình đều sẽ được một luật riêng quy định. Dự kiến các luật đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và sẽ sớm ban hành để những điều khoản trong Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực trong thực tế. Tôn trọng quyền con người là động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, vì chính con người là chủ thể xây dựng và phát triển đất nước.