Buôn lậu thuốc lá tăng mạnh: Ngân sách thất thu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 18/03/2014
Thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, ngoài việc gây thất thu lớn cho NSNN, mỗi năm thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần của doanh nghiệp (DN) sản xuất nội địa và khiến không ít đơn vị rơi vào tình trạng sản xuất khó khăn.
Ảnh minh họa. |
Bắt giữ hàng chục nghìn bao thuốc lá nhập lậu
Với mức lợi nhuận "khủng", thuốc lá ngoại luôn là một trong những mặt hàng cấm được các đối tượng vi phạm tìm mọi thủ đoạn vận chuyển trái phép vào thị trường nội địa. Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, khu vực biên giới tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và vùng giáp ranh cửa khẩu là những điểm "nóng" thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này.
23h ngày 15-1, qua nguồn tin của quần chúng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (Cục Hải quan An Giang) đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra một xe ô tô tải có dấu hiệu chở hàng lậu. Tài xế không chấp hành và tăng tốc, lực lượng hải quan phải tiến hành truy đuổi. Qua kiểm tra, phát hiện 26.500 gói thuốc lá ngoại các loại, trị giá ước tính gần 300 triệu đồng. Trước đó, vào đêm 14-1, Đội kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai lực lượng vây bắt đò sắt mang BKS QN-5727 tại chân cầu Lục Lầm, TP Móng Cái. Kiểm tra khoang máy đã phát hiện 37.000 bao thuốc lá 555 GOLD do nước ngoài sản xuất. Lái đò không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số thuốc lá nêu trên. Toàn bộ hồ sơ vi phạm cùng đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu đã được Hải quan Quảng Ninh chuyển sang Công an Móng Cái xử lý theo quy định.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, Hải quan An Giang và Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ 63.500 bao thuốc lá nhập lậu. Hai vụ việc điển hình trên cho thấy, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra khá nhộn nhịp. Khảo sát của Trung tâm Thuế và đầu tư quốc tế phối hợp với Tổ chức Oxford Economics năm 2012 cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất Châu Á và có lượng tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ hai trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát. Tính riêng năm 2013, tổng số thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỷ điếu, bao gồm 87,8 tỷ điếu hợp pháp và 17 tỷ điếu nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần và gây thất thu lớn cho NSNN. Ước tính, NSNN đã thất thu 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD năm 2013, bằng 42% tổng đóng góp vào NSNN của toàn ngành công nghiệp thuốc lá.
Tăng mức hỗ trợ, siết chặt quản lý
Nhận xét về thực trạng buôn lậu thuốc lá, ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, hiện nay 90% thuốc lá lậu là Hero và Jet. Việc tiêu thụ trót lọt mỗi bao thuốc lá này đem lại lợi nhuận gấp 30 lần một bao thuốc sản xuất nội địa. Ông cũng cho biết, từ nguồn quỹ do DN sản xuất thuốc lá đóng góp, Hiệp hội hỗ trợ 1.100 đồng cho các cơ quan chức năng bắt giữ tiêu hủy một bao thuốc lá lậu. Trong năm 2014, Hiệp hội đề xuất tăng mức hỗ trợ lên 3.500 đồng/gói nhằm thực hiện tiêu hủy "xanh" với thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt, Hiệp hội cũng kiến nghị Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các quốc gia có chung đường biên giới để góp phần nâng cao năng lực chống buôn lậu thuốc lá. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát ngay cả người bán lẻ thuốc lá lậu. Hiện nay đang có dự thảo sửa đổi quy định việc những người mang vác vận chuyển 1.000 gói thuốc là bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hiện tại là 1.500 gói trở lên). Nếu được thông qua sẽ phần nào hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.
Để siết chặt kiểm soát hoạt động buôn lậu thuốc lá, mới đây, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương (TƯ) đã có công văn đề nghị các bộ: Tài chính, Công thương, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố có đường biên giới khẩn trương triển khai việc kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua biên giới Tây nam. Tại thị trường nội địa, Ban Chỉ đạo 127 TƯ đề nghị Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chủ động phối hợp với lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá, rượu, bia nhập lậu theo quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí TƯ, địa phương kịp thời đưa tin, tuyên truyền cho người dân không bao che, tiếp tay, vận chuyển thuê cho các đối tượng buôn lậu nói chung và buôn bán, vận chuyển thuốc lá, rượu, bia nhập lậu nói riêng…
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng khá mạnh từ năm 2015. Việc điều chỉnh thuế suất nhằm định hướng tiêu dùng và tăng thu NSNN là điều cần phải thực hiện, song cùng với đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa hiệu quả hoạt động buôn lậu thuốc lá. Việc làm này sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thất thu NSNN, hạn chế những tác động tiêu cực tới DN sản xuất trong nước.