Quan trọng là đồng tiền... chạy

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 18/03/2014

(HNM) - Chiều 17-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành 4 quyết định liên quan đến lãi suất. Cụ thể, mức lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng loại không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; loại có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; riêng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô với những lĩnh vực này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm hiện đang áp dụng… Những quyết định trên có hiệu lực từ ngày hôm nay (18-3).

Như vậy, qua gần 9 tháng và cũng là lần đầu tiên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm trong thời gian trước và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục tăng cao… Và quan trọng hơn cả là hoạt động sản suất - kinh doanh vẫn còn khó khăn.

Cần chú ý, trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt, kể từ sau Tết đến nay, nhiều ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh và dao động quanh mức 6,5%/năm ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều biện pháp "kích cầu", nhưng "đầu ra" của các ngân hàng vẫn chưa hết khó khăn. Nói cách khác là tiền thì có nhưng thiếu người vay. Đây chính là nghịch lý bởi trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp không hề dư dả, vẫn rất cần vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm, lãi suất cho vay đã giảm, song vẫn còn cao gần gấp đôi so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp vì lợi nhuận bình quân thu được của khối doanh nghiệp này hiện chỉ ở mức 6-7%/năm. Như vậy nếu vay vốn cao hơn mức đó, họ cầm chắc làm không công và thua lỗ. Mặt khác, không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Chỉ những doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, có phương án kinh doanh khả thi và có dòng tiền mới được ngân hàng "mở hầu bao". Và phải khẳng định, trong bối cảnh chung, số doanh nghiệp hội tụ đủ những điều kiện đó không nhiều. Chưa kể một số ngân hàng còn suy luận, với tình trạng hiện nay, doanh nghiệp nào chấp nhận vay lãi suất cao là có vấn đề, nên không muốn cho vay bằng cách bày vẽ nhiều thủ tục phức tạp, định giá tài sản không sát thực tế… Về phía các "nhà băng", họ cũng có lý của họ, nếu không chặt chẽ như thế lại rơi vào tình trạng nợ khó đòi, nợ xấu, ai "gánh" trách nhiệm thay cho họ.

Chuyện cứ dùng dằng như vậy và đồng tiền nằm chết gí một chỗ. Nguy hiểm là ở chỗ đó vì như vậy chỗ cần tiền thì không có, chỗ có tiền lại thiếu người vay. Và đồng tiền khi không lưu thông thì không thể làm cho mối quan hệ Tiền - Hàng vận động. Sản xuất phát triển, hàng hóa đưa vào lưu thông, đòi hỏi phải có thêm lượng tiền đáp ứng quá trình vận động. Vậy nên, đồng tiền để nguyên một chỗ là đồng tiền… chết, điều đó kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh thêm phần khó khăn.

Suy cho cùng, việc cắt giảm các mức lãi suất điều hành cũng là biện pháp nhằm mục đích kích thích đồng tiền vận động. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển hoặc nói cách khác là các doanh nghiệp có "sống khỏe" thì nền kinh tế đất nước mới có thể tăng trưởng bền vững.

Hoàng Thu Vân