Lãi suất giảm, kênh gửi tiết kiệm có còn hấp dẫn?

Tài chính - Ngày đăng : 19:41, 17/03/2014

(HNMO)-Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, với các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát, mức trần lãi suất VND vẫn khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến


Từ ngày 18/3, lãi suất tiết kiệm VND tối đa với kỳ hạn 1 đến 6 tháng giảm xuống 6%/năm từ mức 7%/năm. Điều quan tâm lúc này là liệu lãi suất giảm như vậy có ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng? Tại cuộc họp báo thông tin về điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; trần lãi suất tiết kiệm VND và trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn vào chiều ngày 17/3 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã trả lời một số câu hỏi của báo chí.

-Thưa ông, lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn giảm ở mức khá mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất giảm như vậy sẽ khiến ngân hàng khó huy động vốn từ dân cư. Điều này liệu có xảy ra không, thưa ông?

- Ở đây có mối liên quan trực tiếp. Nếu lãi suất huy động giảm thì khả năng người gửi tiền không gửi vào ngân hàng sẽ tăng lên, theo đó lượng tiền huy động có thể giảm xuống. Nhưng với các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ… thì chúng ta tin rằng, mức trần lãi suất tiền gửi vẫn khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng. Điều này được thể hiện qua số dư tiền gửi gia tăng. Thời gian gần đây, các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động VND nhưng không giảm khả năng huy động vốn.

Đối với nhà đầu tư có tiền gửi trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc gửi tiền đồng vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả. Xu hướng này cũng có thể được xã hội chấp nhận, nó làm ổn định cơ sở tiền gửi của hệ thống ngân hàng, từ đó dùng nguồn vốn đó để cho vay phát triển sản xuất.

- Vừa qua, một số nhà băng đã giảm lãi suất huy động và cho vay nhưng mức giảm vẫn còn chậm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ, vậy có nên áp trần lãi suất cho vay, thưa ông?

- Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không chủ quan hạ lãi suất được mà dựa trên những diễn biến kinh tế vĩ mô, khả năng huy động, điều hành hệ thống trung gian tài chính…Có mối liên hệ giữa các chỉ số này với lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Việc NHNN điều hành theo hướng giảm tiếp một bước lãi suất huy động sẽ làm cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay, vì chi phí đầu vào giảm xuống thì các tổ chức tín dụng cũng sẽ có biện pháp điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp mặt bằng lãi suất huy động mới với chi phí giá cả mới.

-Thế còn với lãi suất cho vay trung và dài hạn thì sao?


- Đến nay, NHNN không còn quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho tổ chức tín dụng trong việc xem xét cho vay, xác định các mức cụ thể dựa trên cơ sở xem xét dự án vay, khả năng tài chính, luồng tiền và khả năng thu nợ khách hàng. Lãi suất ngắn hạn cũng liên quan trực tiếp đến lãi suất dài hạn. Tuy nhiên, trong xu hướng lãi suất ngắn hạn giảm thì lãi suất trung và dài cũng có xu hướng giảm. Điều này phụ thuộc vào sự ổn định tiền tệ trong thời gian dài.

- Xin ông cho biết định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới?

- Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, chúng tôi tiếp tục điều theo chỉ đạo định hướng của Thủ tướng Chính phủ một cách thận trọng, linh hoạt, đảm bảo các mục tiêu kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với những mục tiêu được Chính phủ, Quốc hội đặt ra cho năm 2014. Đồng thời, NHNN cũng điều hành theo hướng ổn định tỷ giá, đảm bảo tăng dự trữ và quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng.

Bên cạnh đó, các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, các qui định về quản trị rủi ro, phân loại nợ…tích cực thực hiện quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng cũng như tiếp tục triển khai đề án xử lý nợ xấu vẫn được xác định là trọng tâm xuyên suốt năm 2014 và toàn hệ thống ngân hàng đang tích cực triển khai. 

Hương Thủy