Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh!
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 17/03/2014
Bà Trần Thanh Hương (tổ 65 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai): Liệu có tiếp tay cho vi phạm?
Tôi cho rằng Thông tư 02 cho phép “phạt cho tồn tại” thì đúng là có lẽ chẳng cần phép tắc, cần các cấp chính quyền, cần quy hoạch, quy chuẩn xây dựng làm gì cả. Bởi nếu chủ công trình xây dựng sai phép, không phép chấp nhận nộp phạt để được giữ nguyên thì cứ có tiền là làm được. Những yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng cũng được lấp liếm. Phải chăng đây là “cái phao” tiếp tay cho những vi phạm, cho những “công bộc” lợi dụng quy định này để tham nhũng, phá hoại kỷ cương, phép nước? Thời gian qua, có nhiều công trình vi phạm vẫn “lách” để tồn tại được, huống hồ bây giờ chúng ta lại “bật đèn xanh” để các vi phạm này tồn tại. Tôi cho rằng, khi thông tư có hiệu lực sẽ có tình trạng “nở rộ” hàng loạt vi phạm về TTXD. Cần xem xét lại quy định này, bởi như vậy chúng ta mới đang chỉ nghĩ đến vấn đề thiệt hại của những nhà đầu tư mà chưa nghĩ đến những hệ lụy sau đó: Ảnh hưởng về ánh sáng, giao thông, môi trường, cộng đồng dân cư, an ninh…
Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia): Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh
Xung quanh Thông tư 02, tôi cho rằng quy định cho phép nộp tiền phạt để công trình sai phép, sai phạm được tồn tại là không thể chấp nhận được. Vậy thì trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương, Thanh tra xây dựng ở đâu khi để xảy ra những vi phạm này trên địa bàn? Nếu chính quyền địa phương đã có nhắc nhở, lập biên bản mà vẫn cố tình vi phạm thì đương nhiên phải xử lý phá dỡ chứ không thể phạt tiền cho… tồn tại là được. Tôi cho rằng pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và phải có sự công bằng. Đối với những trường hợp chủ đầu tư là các doanh nghiệp lớn, họ nắm quá rõ các quy định của pháp luật mà lại coi thường luật, ngang nhiên vi phạm, xây vượt tầng, lấn không gian nhưng chỉ cần nộp phạt là được tồn tại thì càng không thể chấp nhận được.
Ông Phạm Đạt (KTT C4 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình): Không thể tạo điều kiện để các vi phạm trật tự xây dựng gia tăng
Nếu quy định này thực thi trong cuộc sống sẽ khiến vi phạm gia tăng, phát sinh tiêu cực trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Liệu có phải cứ có tiền nộp phạt thì không phải phá dỡ công trình vi phạm, còn không có tiền nộp phạt thì bị cưỡng chế? Như vậy, thật thiếu công bằng và minh bạch. Khi xây dựng sai phép, không phép, đương nhiên chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng đến lợi ích kinh tế từ hành vi vi phạm mang lại. Nay tiếp tục tạo điều kiện có lợi cho người vi phạm thì quá bằng “vẽ đường cho hươu chạy”. Còn nói là để tránh lãng phí lớn cho xã hội khi phải phá dỡ công trình sai phép, không phép sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện thì phải xem lại trách nhiệm của người quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Vì lý do gì mà bỏ lọt vi phạm khi mà việc xây dựng công trình không thể hoàn thành trong một vài ngày?
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Cần quy định rõ ràng hơn
Nếu đọc kỹ Thông tư 02/TT-BXD hướng dẫn thì không phải trường hợp nào cũng được phạt cho tồn tại… Vi phạm thì cũng có nhiều mức độ, cần phân loại để xử lý nặng nhẹ tránh gây hiểu lầm và vận dụng không phù hợp thực tế. Ví dụ, khu đô thị đã được quy hoạch rồi nhưng khi xây dựng lại giảm bớt diện tích hạ tầng, tăng diện tích nhà ở mà phải xử lý bằng cách phá bớt đi gây ảnh hưởng đến kết cấu cả tòa nhà mà lợi ích mang lại của việc phá dỡ không cao thì nên cho phạt tồn tại. Tuy nhiên, mức phạt mà Thông tư 02 đưa ra từ 40% đến 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép là còn nhẹ. Cần nâng mức phạt đến 100% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép để triệt tiêu lợi ích do vi phạm mang lại thì lần sau chủ đầu tư sẽ không dám tái diễn nữa.