Phải coi Thủ đô là trọng điểm
Xe++ - Ngày đăng : 06:36, 17/03/2014
Hiện tại, thành phố Hà Nội đã khai trương trung tâm truyền dẫn phát sóng và cột ăng ten cao 250m của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (PT-TH) tại Mễ Trì (huyện Từ Liêm). Đặc biệt, cuối tháng 10-2013, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt đầu tư 317 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình PT-TH sang công nghệ số giai đoạn 2013-2015 cho Đài PT-TH Hà Nội. Thành phố cũng đồng ý cho Đài PT-TH Hà Nội, Công ty TNHH MTV Hanel (ngoài ra, còn có Đài Truyền hình Hải Phòng tham gia) thành lập Công ty cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ số truyền hình mặt đất tại 14 tỉnh, TP ĐBSH. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, cung cấp thiết bị truyền hình đã có những đầu tư sản xuất thiết bị thu tiêu chuẩn DVB-T2… Sự chuẩn bị của Hà Nội cho đề án này đã được Bộ TT-TT đánh giá cao.
Cột ăng ten cao 250m của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tại Mễ Trì. |
Trở lại vấn đề đã nêu trên, lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị Bộ TT-TT coi TP Hà Nội là địa phương trọng điểm để thực hiện đề án vì nếu triển khai thành công tại Hà Nội đồng nghĩa với thành công bước đầu của đề án. Sở dĩ như vậy là ở Hà Nội, tuy dân số sinh sống khoảng 7,4 triệu người nhưng thực tế số dân tới hơn 10 triệu dân (do người lao động các nơi đến làm ăn). Theo thống kê, Hà Nội hiện có 24.454 hộ nghèo, 59.365 hộ cận nghèo và có 884.515 người hưởng chính sách xã hội… Như vậy, Hà Nội có những đặc thù trong việc triển khai tuyên truyền để người dân hiểu và có sự chuẩn bị khi các nhà đài tắt sóng truyền hình công nghệ analog (công nghệ tương tự) sang công nghệ kỹ thuật số. Lãnh đạo UBND TP khẳng định, Hà Nội sẽ quyết tâm chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc để làm tốt nhiệm vụ, giúp các hộ gia đình có ti vi thế hệ cũ (cả ti vi không dùng dịch vụ truyền hình trả tiền) bắt được sóng truyền hình kỹ thuật số; đồng thời chủ động dành ngân sách để hỗ trợ người dân mua thiết bị (bộ giải mã bắt sóng truyền hình số).
Được biết, Hà Nội có khoảng 30-50% số hộ gia đình đang dùng ti vi thế hệ cũ cần dùng bộ giải mã thu truyền hình số; các đơn vị của thành phố đang thống kê số hộ gia đình thuộc diện quy định (hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách) có ti vi để hỗ trợ kinh phí mua thiết bị giúp người dân có thể xem truyền hình công nghệ số. Một điểm đáng chú ý là theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định phê duyệt đề án này thì việc chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số tại Thủ đô được thực hiện làm hai giai đoạn: Khu vực Hà Nội cũ dừng phát sóng analog trước ngày 31-12-2015, địa bàn Hà Tây cũ dừng trước 31-12-2016. Tuy nhiên, Hà Nội đã kiến nghị Bộ TT-TT cho phép thống nhất một thời điểm để toàn bộ địa bàn chuyển sang công nghệ số. Để thuận tiện cho việc thực hiện, Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo đề án, Bộ TT-TT sớm hỗ trợ tài liệu tuyên truyền cho người dân hiểu và chuyển đổi sang sử dụng ti vi, thiết bị thu kỹ thuật số; cũng như có những hướng dẫn hỗ trợ đầu tư truyền hình số cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn.