Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: Cần “trọng cầu” hơn “trọng cung”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 15/03/2014
Thị trường vẫn trầm lắng
Nhìn chung, thị trường đã diễn biến không thuận lợi khi trong tháng 2, chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng hơn 1%, các nhóm còn lại tăng thấp. Riêng nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,64% do ảnh hưởng của việc giá gas giảm mạnh và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% so với tháng trước. Sức mua trên thị trường còn hạn chế, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 2 đạt 234,3 nghìn tỷ đồng giảm 2,3% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển này đạt 474 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ (nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,2%). Các chuyên gia cho rằng, thị trường có tăng trưởng nhưng chậm, thấp hơn hẳn kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý vĩ mô. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 2 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 24,9%; mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 74,0%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 34,8%; sợi tăng 26,3%; giày, dép tăng 36,8%... Đáng lo ngại hơn là hiện các DN ngành mía đường đang tồn kho hơn 500 nghìn tấn đường, khiến ngành này rơi vào tình cảnh đình đốn kéo dài. DN ngành thép và lắp ráp xe máy cũng đang tìm thị trường xuất khẩu để thay thế cho sự èo uột trên thị trường nội địa. Đặc biệt, sự "đóng băng" kéo dài của lĩnh vực bất động sản suốt mấy năm qua đã, đang gây hệ lụy nghiêm trọng, làm hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn "bất động" cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực hoặc vấn đề khác, như việc làm, khả năng cung ứng nguyên vật liệu, hoạt động vận tải...
Những thực tế trên diễn ra đồng thời rồi "cộng hưởng" tạo thành nguyên nhân dẫn đến thực trạng trầm lắng trên thị trường cả nước. Nguồn cung vẫn dồi dào do các cơ sở sản xuất đang chủ động duy trì đà hồi phục cộng với lượng hàng tồn kho từ năm ngoái dồn lại đến thời điểm này mới bung hàng ra bán đã làm nghẽn đầu ra. Ngược lại, sức hấp thụ hàng hóa lại chậm bởi không ít DN cạn vốn trong khi giới tiêu dùng vẫn đối mặt với áp lực tiết giảm chi tiêu để phòng thân cũng như thu nhập thực tế không tăng lên so với thời gian trước.
Như vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp là sức cầu tổng thể của toàn xã hội tăng thấp.
Kiên trì hỗ trợ doanh nghiệp
Đối với các cơ quan chức năng, việc tìm nguyên nhân không khó nhưng làm gì để hâm nóng thị trường, tạo niềm tin cho DN và kích thích tiêu dùng là điều rất khó. Đến nay, những giải pháp và điều chỉnh của cơ quan chức năng chưa mang lại nhiều kết quả như mong muốn, cũng như cần thời gian để "thẩm thấu" vào cuộc sống. Đặc biệt, phần lớn siêu thị đang suy giảm doanh số bán hàng do hàng bán chậm, mặc dù hầu hết đơn vị đều liên tục áp dụng những biện pháp khuyến mãi như giảm giá, tặng quà, tăng cường dịch vụ sau bán hàng kèm theo tư vấn tiêu dùng.
Trước tình hình thị trường ảm đạm, Chính phủ kiên trì thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP để hỗ trợ DN, chỉ đạo các địa phương vào cuộc. Với tinh thần đó, Hà Nội đã xác định quan điểm đồng hành cùng DN thông qua một số giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung vào việc tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ thị trường, thúc đẩy thực hiện chương trình bình ổn giá kết hợp tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại; ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thành phố cũng hỗ trợ DN trong xúc tiến đầu tư, đưa DN đi tìm hiểu cơ hội hợp tác, đẩy mạnh bán hàng tại các tỉnh bạn bên cạnh hoạt động tham gia hội chợ quốc tế.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trong hoàn cảnh hiện tại, cần xác định rõ định hướng "trọng cầu" hơn "trọng cung" để tìm những biện pháp kích cầu một cách đồng bộ, có sự phối hợp từ các bên liên quan. Đó là, Nhà nước cần có chính sách tạo việc làm để người lao động có thu nhập, từ đó có điều kiện mua hàng; có chiến lược rõ ràng và phù hợp về phát triển ngành phân phối; nghiên cứu khả năng hạ thuế suất của thuế VAT; loại bỏ các loại phí bất hợp lý để hạ giá thành sản phẩm... Về phần mình, DN cần xác định rõ phân khúc thị trường để tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm; tăng cường liên kết giữa các đơn vị cùng ngành hàng để tạo sức cạnh tranh cho toàn khối và nhằm đẩy mạnh mức tiêu thụ sản phẩm, tăng tổng cầu xã hội.
Tóm lại, mức tiêu thụ hàng hóa và CPI là thước đo sự lành mạnh của thị trường, nhưng luôn là mục tiêu khó điều hành bởi nó bị chịu ảnh hưởng, tác động đan xen từ nhiều yếu tố, hoàn cảnh...