Sau 7 tháng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô: Hiệu quả chưa như mong muốn

Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 15/03/2014

(HNM) - Sau 7 tháng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TP Hà Nội theo Nghị quyết số 02 ngày 2-7-2013 của HĐND thành phố đã nảy sinh nhiều bất cập.



Công tác tổ chức thu phí không đồng đều giữa các địa phương, thiếu chế tài xử lý trường hợp không đóng phí, chất lượng biên lai không bảo đảm, một bộ phận gia đình kê khai chưa đủ số phương tiện… đã ảnh hưởng đến kết quả thu phí.

Kết quả thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô chưa được như mong muốn. Ảnh: Bá Hoạt


Khó thu đủ

Sau khi có Nghị quyết của HĐND thành phố, tháng 7-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 24/2013/QĐ-UBND về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn thành phố. Quyết định quy định rõ đối tượng chịu phí là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm: Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy. Mức thu đối với loại xe có dung tích xi lanh dưới 100cm3 là 50.000 đồng/xe/năm, loại dung tích xi lanh trên 100cm3 là 100.000 đồng/xe/năm; đồng thời quy định rõ thời gian nộp phí, cơ quan thu phí, quản lý và sử dụng nguồn phí được thu.

Tại cuộc khảo sát mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội - cơ quan thường trực thực hiện Quyết định 24 của UBND thành phố - cho biết, quá trình triển khai thu ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Tính đến nay, toàn thành phố mới thu được khoảng 1,2 triệu xe mô tô với số tiền hơn 55 tỷ đồng (có hơn 50% xe thu mức dung tích xi lanh dưới 100cm3), trong khi đó số đăng ký thực tế xe mô tô lưu hành trên địa bàn Thủ đô là hơn 3 triệu xe, phần lớn xe lưu hành có dung tích xi lanh trên 100cm3. Nguyên nhân là do không có chế tài xử phạt các chủ phương tiện không đóng phí, dẫn đến hiện tượng chây ì; nhiều hộ dân thắc mắc việc phải đóng phí theo đầu xe là chưa phù hợp (có xe đi nhiều, xe đi ít và không đi); việc thu phí không giao trong kế hoạch của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, nên các địa phương thiếu tích cực trong đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, việc giao cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn thực hiện thu là chưa phù hợp bởi đa số đã cao tuổi, sức khỏe yếu, chưa kể, biên lai mỏng, dễ rách nát, khó bảo quản. Ngoài ra, như Trưởng khu hành chính số 1 (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Khúc Huy Chiến cho biết, mặc dù ông nắm rất rõ gia đình nào có mấy xe, loại gì, dung tích xi lanh bao nhiêu phân khối, nhưng hầu hết các hộ chỉ kê khai có một xe. Cũng do thiếu chế tài nên chủ phương tiện không hiểu nghĩa vụ phải nộp phí mà cho rằng đây là việc làm mang tính tự nguyện, nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng sao.

Giải pháp nào tháo gỡ?

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải, ngoài kiến nghị với Bộ Tài chính thay đổi mẫu biên lai và có chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện chống đối, UBND TP Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc xã, phường, thị trấn tích cực thu phí sử dụng đường bộ đối với chủ xe mô tô; cần thiết nên bổ sung chỉ tiêu giao kế hoạch thu thuế của các quận, huyện, thị xã và cơ sở có nội dung thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô. Ngoài ra, theo ông Trần Minh Đức, Bí thư Chi bộ 3, phường Cát Linh (quận Đống Đa), ngoài biên lai thu cần phát cho chủ phương tiện tích kê dạng như thẻ để mọi người dễ bảo quản trong quá trình lưu thông trên đường; nên thu phí này cùng với phí xăng dầu; hoặc có thể tính theo tuổi thọ của xe tương đối khoảng 5 năm và thu cùng lúc đăng ký xe ban đầu. "Nếu thu một thời gian, giao thông đường bộ được cải thiện, thì dân sẽ không kêu ca, còn đường sá vẫn lồi lõm, ách tắc thì người dân thấy không xứng đáng với số tiền đã nộp, chính sách lúc đó khó mà đi vào cuộc sống" - ông Trần Minh Đức bày tỏ. Trưởng khu hành chính số 4 (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Khúc Đình Lộc cho rằng, trong quá trình triển khai thu, cần thống nhất đồng bộ về thời gian đối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, tránh để người dân phàn nàn "nơi kia chưa thu, nơi này đã thu". Thêm nữa, UBND TP Hà Nội cũng quy định mức trích lại từ nguồn thu cho địa phương bảo đảm công tác tổ chức thu, duy tu, sửa chữa hệ thống đường trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Như vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. UBND thành phố cần sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang đặt ra, bảo đảm công bằng, góp phần bổ sung nguồn kinh phí bảo trì đường bộ.

Việt Tuấn