Nhiều bất cập từ chính lực lượng thi hành án
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 15/03/2014
Cùng với những lo ngại về bất cập trong công tác thi hành án có thể gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí là tiền lệ để các đối tượng đòi nợ thuê lợi dụng giành "sân", nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý án tồn đọng phải được chia sẻ, thực hiện nghiêm túc hơn nữa từ chính lực lượng thi hành án và sự nhập cuộc cải cách thể chế của Bộ Tư pháp.
Không mặn mà với cơ quan thi hành án
Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát mới nhất về thi hành án đối với các doanh nghiệp do đơn vị này thực hiện đã khiến nhiều thành viên giật mình: Tỷ lệ thành công khi nhờ những người đòi nợ thuê thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày. Trong khi đó, nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa và qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày. So sánh về phí bỏ ra cho thấy, khi sử dụng phương án khởi kiện tại tòa án và qua cơ quan thi hành án, chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20-30% khoản nợ, gồm phí phải nộp cho Nhà nước và phí luật sư, chưa kể tiền lót tay và thời gian chờ đợi. Còn nếu sử dụng người đòi nợ thuê, chi phí bỏ ra chiếm khoảng 40-70% khoản nợ và không có chi phí phụ nào. Với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc khiến phương pháp sử dụng người đòi nợ thuê đang chiếm thế "thượng phong".
Để có cái nhìn rõ hơn nữa lỗ hổng của dịch vụ công, VCCI tiếp tục thực hiện cuộc khảo sát nhanh với câu hỏi: Bạn sẽ lựa chọn một trong 3 phương án nào để thu hồi nợ (khởi kiện tại tòa + thi hành án; dịch vụ thu nợ hợp pháp; xã hội đen đòi nợ), nguyên nhân tại sao phương án khởi kiện ra tòa án và sử dụng cơ quan thi hành án nhận được ít sự ủng hộ. Các doanh nghiệp được hỏi phần lớn gặp khó khăn trong quá trình xác minh tài sản, kê biên, bán tài sản; thủ tục thi hành án phức tạp hoặc tự nhận thấy bản án khó thi hành và tuyên bố nếu gặp vụ việc tương tự sẽ không khởi kiện nữa. Đại diện Công ty Phục Hưng Holding đã thốt lên: "Lúc đầu tôi nghĩ có bản án của tòa là có thể đòi được tiền rồi, thế mà vẫn gặp khó khăn khi thi hành án, vậy bản án của tòa còn có giá trị gì nữa!".
Luật sư cần được tham gia
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Lê Anh Tuấn nhận định, một trong những nguyên nhân căn bản khiến chất lượng thi hành án còn kém hiệu quả là do hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà. Còn nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Nguyễn Đức Thường thì cho rằng: "Khuyết điểm lớn nhất của Luật Thi hành án là nhiều thủ tục không có thời hạn xác định...". Tuy vậy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hậu chưa hẳn đồng tình với nhận định này. Từ việc mới đây nhất, ngày 24-2-2014, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khu vực miền Trung - Tây Nguyên bắt quả tang cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê (Đà Nẵng) Nguyễn Thị Thanh Hương nhận hối lộ 29 triệu đồng của một đương sự là người có quyền lợi trong bản án ly hôn, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát đối với những chấp hành viên thi hành án dân sự; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân.
Đồng tình với kiến nghị nêu trên, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư Hà Nội) cung cấp thêm ví dụ về sự nhiêu khê, cửa quyền của chấp hành viên đối với bên được thi hành án là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Việt Hưng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Vụ việc này đang gây xôn xao dư luận bởi những sai phạm của Cục Thi hành án TP Việt Trì. Điều đáng nói là, dù doanh nghiệp này đã có nhiều khiếu nại về bản án và sai phạm khi thi hành án, song họ không được chấp hành viên quan tâm, xem xét khiến vụ việc bị "ngâm" rất lâu. Mới đây, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định kháng nghị vụ án và yêu cầu cơ quan thi hành án dừng việc thi hành án.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, để không tái diễn tình trạng cơ quan công quyền "vô cảm", gây mất lòng tin của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có cơ chế để luật sư tham gia vào quá trình thi hành án. Hiện lực lượng luật sư nước ta rất đông, nhưng không được chủ động tham gia đầy đủ, liên tục vào giai đoạn thi hành án. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự chưa tạo được hành lang pháp lý để luật sư tham gia từ bước này. Việc có chấp thuận luật sư tham gia theo dạng ủy quyền của đương sự hay không tùy sự linh hoạt của mỗi cơ quan thi hành án. Trong khi đó, sự tham gia của luật sư là một trong những giải pháp bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan và giảm khiếu nại, tố cáo.
Từ kết quả khảo sát của VCCI còn cho thấy, một quy định về thi hành án dân sự nữa đang làm khó doanh nghiệp, cần được Bộ Tư pháp ưu tiên sửa đổi là: Bên được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và cung cấp cho cơ quan thi hành án. Đây là điều khó vì bên được thi hành án là tổ chức, cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không phải cơ quan điều tra. Họ không có năng lực, điều kiện xác minh điều kiện thi hành án của một doanh nghiệp. Thực tế, các cơ quan thuế, ngân hàng cũng đều từ chối cung cấp. "Nếu đề xuất này được chấp thuận thì có thể coi đây là một bước tiến trong hoạt động cải cách tư pháp hiện nay" - Luật sư Nguyễn Thanh Nga (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.