”Chết” vì bị gộp giấy chứng nhận

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 15/03/2014

(HNM) - Sau 8 năm thi hành Luật Đầu tư năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đã có nhiều quy định thông thoáng, giúp môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. Song đại diện không ít doanh nghiệp có quan điểm ngược lại khi cho rằng, quy định về giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) hiện hành đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Minh chứng rõ nhất, theo Luật Đầu tư 2005, việc áp dụng thủ tục cấp GCNĐT, đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, được cho là sự thay đổi kịp thời của các nhà làm luật lúc bấy giờ. Việc tích hợp hai giấy tờ trên hướng đến mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa thu hút, mời gọi đầu tư, giảm chi phí, giảm thời gian hoàn thiện thủ tục cho nhà đầu tư, song chưa tính đến những đặc thù của hai loại giấy này. Thực tiễn cho thấy, GCNĐT và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác nhau cả về nội dung, bản chất và giá trị pháp lý, làm phức tạp cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Vướng mắc rõ nhất thể hiện trong trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai dự án dẫn đến phải thu hồi GCNĐT, nhưng do GCNĐT đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên doanh nghiệp phải giải thể bắt buộc nếu thu hồi giấy này. Trong khi đó, vi phạm của nhà đầu tư không thuộc diện phải giải thể doanh nghiệp. Kết cục là có đơn vị chưa "chết" vẫn phải giải thể… vì chính quyền địa phương áp dụng đúng luật. Cơ quan chức năng thông cảm, hiểu bản chất sự việc thì cho qua và công khai thông báo, tuyên truyền như một hình thức thu hút đầu tư. Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng kẽ hở trên để vòi vĩnh, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Và để được việc, hầu hết doanh nghiệp lâm vào tình huống này đều "tự nguyện bôi trơn" cho được việc.

Bất cập trên vừa làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vừa cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Do đó, vấn đề quan trọng cần làm khi xây dựng dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi là phải tiếp tục lắng nghe hơn nữa ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và điều chỉnh ngay điểm bất hợp lý về GCNĐT. Có thể bắt đầu từ việc thay thế GCNĐT bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư, không phải là Nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án mới phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hồ Bách