Ước mơ của người Ca Dong
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:47, 15/03/2014
Đêm ấm ức ở Trà Bui
Nhìn ra cửa sổ trụ sở UBND xã Trà Bui, mưa vẫn rả rích suốt từ sáng mà chưa dứt, anh Hồ Thanh Sơn, một cán bộ xã rủ: "Mưa như rứa, mời nhà báo Thủ đô về nhà tôi một đêm". Tôi nhận lời vì trời mưa thế này cũng khó quay về thị trấn Trà My ngay trong tối nay…
Già Dinh mô tả cách bắn nỏ. |
Cả nhà bà Hồ Thị Dôn, mẹ anh Sơn, vẫn duy trì mọi sinh hoạt ở ngôi nhà sàn gỗ. "Già rồi chỉ quen ở nhà cũ thôi", tay thoăn thoát đan tấm lung (một loại chiếu đan bằng cây lung), bà Dôn nói. Đã xấp xỉ sáu mươi, bà Dôn làm mọi việc bếp núc, nhà cửa theo đúng những gì bà được mẹ dạy từ bé. Được mẹ dạy từ những bài hát dân ca, cách thổi máp (một loại kèn nhỏ làm từ cây lách), đến cả những giai điệu cổ, bà Dôn thổi máp bài "Con gà gáy" cho chúng tôi nghe. Dừng kèn, bà hát luôn bài "Mẹ ru con". Sơn ngồi cạnh, dịch nhanh: "Con ngủ cho ngoan. Gà gáy sáng rồi. Mẹ dậy nổi lửa, nấu cơm. Rồi lên nương, đi rẫy. Kiếm cái ăn cho con…". Vì là người biết hát và hát hay nhiều bài dân ca Ca Dong nên mỗi lần có hội diễn ở huyện, cán bộ văn hóa luôn tìm đến nhà, mời bà Dôn đi thi. Cùng đi thi với bà Dôn còn có ông Hồ Văn Dinh, anh họ của chồng bà, một người đánh cồng chiêng và chơi nhạc cụ Ca Dong rất giỏi. Lần nào bà Dôn cùng ông Dinh đi thi cũng có giải. Giải huyện rồi lên giải tỉnh và còn đi thi toàn quốc nữa. Bà Dôn thắc mắc: "Thi ở huyện, ở tỉnh, người ta lại "biến" chúng tôi thành người Co. Đi toàn quốc, người ta lại "biến" người Ca Dong thành người Xơ đăng. Lạ rứa".
Đến đoạn này, Sơn rút ví lấy chứng minh thư nhân dân chỉ vào dòng chữ "Dân tộc: Ca Dong", rồi ấm ức nói: "Anh xem đấy. Trong này còn ghi rõ như vậy mà". Không chỉ riêng Sơn, từ khi đất nước thống nhất, các văn bản, giấy tờ của người Ca Dong ở Trà My (cũ) như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, các khai báo tư pháp hộ tịch, hộ khẩu, đến thẻ đảng viên... đều kê khai thành phần dân tộc là Ca Dong.
Trước khi chia tay, bà Dôn mách nước: "Để hiểu thêm về người Ca Dong, anh phải tìm gặp già Dinh". Dù biết đường đi khó, tôi tự nhủ: "Dứt khoát mình phải gặp được già Dinh".
Người giữ hồn Ca Dong
Tảng sáng, trời vẫn mưa sụt sùi. Chia tay Sơn, tôi một mình một xe tìm đường đến nhà già Dinh. Cũng giống như bà Dôn và anh Sơn, già Dinh cũng buồn khi nhắc đến chuyện đi thi được nhiều giải ở mọi cấp mà không được báo chí gọi đúng tên là người Ca Dong. Già Dinh nói: "Bố đã bảo với cán bộ văn hóa rồi đấy. Nếu không gọi bố là người Ca Dong thì bố không đi thi, không đi hát nữa đâu". Vốn sinh ra và lớn lên ở ngay quả núi này, già Dinh thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ, thuộc từng lối đi của con nai, con hoẵng, con lợn rừng. Góc núi rừng này có mạch nước ngọt chảy quanh năm đã nuôi sống tổ tiên của già.
Nhấp một ngụm nước lá rừng, già nói: "Nếu con thích tìm hiểu về người Ca Dong, bố sẽ kể cho con nghe một sự tích mà người già hay kể lại". Chuyện rằng, từ thuở xưa, có hai anh em mồ côi sống chung trên đỉnh núi Ngọc Linh. Một ngày nọ, khi đi săn được một con dúi, người anh bận việc vào rừng. Ở nhà, do sơ suất, người em đã để thú dữ ăn mất con dúi. Quay về nhà không thấy con dúi nữa, người anh nghi cho người em đã ăn hết thịt con dúi. Người em tủi thân bỏ nhà, đi về hướng mặt trời mọc để tìm đường sinh sống. Người anh ở lại lập làng gọi là người Xơ đăng. Người em dựng nóc, sinh con đẻ cái, gọi là người Ca Dong. Từ đó có người Ca Dong.
Câu chuyện dừng lại đã lâu nhưng già Dinh cứ nhắc đi nhắc lại: "Nhờ con về hỏi trung ương xem người Ca Dong có bằng các dân tộc khác trong đại gia đình dân tộc Việt Nam không?".
Ước mơ chưa thành hiện thực
Về Hà Nội, tôi tìm gặp ông Lưu Anh Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để chuyển lời thắc mắc của già Dinh cũng như của người Ca Dong ở Trà My. Ông Hùng khẳng định, không tự nhiên mà các nhà nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học đưa ra bảng danh mục 54 dân tộc anh em vào năm 1979. Các nhà nghiên cứu đã dựa trên các cơ sở như: đặc điểm sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ... để phân chia như vậy. Vốn là nhà nghiên cứu sâu về các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, ông Lưu Anh Hùng cho rằng: "Giữa Ca Dong và Xơ đăng cùng các nhóm khác trong Xơ đăng có sự gần gũi tương đối chắc chắn về ngôn ngữ và văn hóa".
Trong cuốn Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, được xuất bản năm 1983, GS Đặng Nghiêm Vạn đã viết khá rõ. "Dân tộc Xơ đăng có khoảng 7 vạn người, cư trú chủ yếu ở 3 tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Quảng Nam - Đà Nẵng và Nghĩa Bình, gồm các nhóm địa phương Xơ teng, Tơ đrá, Mơ nâm, Ca Dong, Hà lăng" và hai nhóm nhỏ Ta trẻ và Châu. Nhóm Ca Dong bị phân tán do sức ép của người Hrê và Chăm, hình thành 3 nhóm: Một ở Trà My, Trà Bồng; một ở Công Plông và Sơn Hà; và một ở Sa Thầy và Đắc Glây.
Có lẽ tỉnh Quảng Nam đặt người Ca Dong vào dân tộc Co là vì dân tộc Co cũng cư trú chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Trà My xen lẫn với không gian sinh sống của người Ca Dong? Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có gần 27.000 người Ca Dong, chỉ đứng sau dân tộc Cơ-tu (có trên 44.000 người). Như vậy chứng tỏ, sự tồn tại và phát triển của tộc người Ca Dong trên đất Quảng Nam có bề dày lịch sử. Ở các tỉnh khác cũng có người Ca Dong cư trú. TS Nguyễn Đăng Vũ, cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong những lần trở lại nghiên cứu vùng dân tộc thiểu số Quảng Nam gần đây, GS. Đặng Nghiêm Vạn đã phân vân về việc xác định lại tộc danh cho người Ca Dong.
Mong ước của những người Ca Dong như già Dinh, bà Dôn và anh Sơn về việc được gọi đúng tên dân tộc mình vẫn cháy bỏng. Nhưng để phân định rõ là một dân tộc thì còn phải chờ thêm những nghiên cứu mới của các nhà khoa học và sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn từ các cấp có thẩm quyền. Ước mơ của người Ca Dong vẫn chưa thể thành hiện thực.