Cán bộ là gốc của mọi công việc!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 14/03/2014

(HNM) - Chỉ còn nửa tháng nữa, bộ máy hành chính của hai quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm sẽ chính thức vận hành theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.



Quãng thời gian đó không còn bao xa, đồng thời cũng đặt lên vai những công bộc được nhân dân tin cậy giao nhiệm vụ quản lý từ cấp quận, đến cấp phòng, ban, phường, tổ dân phố phải kịp thời vào cuộc để công cuộc chuyển giao không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Đến lúc này, sự cần thiết của việc tách huyện Từ Liêm, lập hai quận mới là không cần phải tranh luận. Bởi hơn ai hết, nhiều năm qua Từ Liêm đã vận hành theo "cơ chế thì nông thôn, quản lý thì đô thị" và bộc lộ rất nhiều sự bất hợp lý. Nhưng nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn bất lợi.

Trước hết, khi vận hành trong một "chiếc áo" mới thì những rào cản trước đây "chính quyền nông thôn" chưa làm được, nay "chính quyền đô thị" có đủ điều kiện, khả năng thực thi quyền năng một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngoài ra, hầu hết cán bộ trong bộ máy hành chính của hai quận mới đều đã được tập dượt, trải nghiệm khả năng quản lý nên sẽ không phải bỡ ngỡ trong điều kiện mới. Mừng là vậy nhưng cũng không thể không lo lắng bởi trong một "hình hài" mới cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thách thức. Đó là làm sao để bộ máy công quyền sẽ không "phình to" quá mức trong bối cảnh đất nước đang chủ trương tinh giản biên chế; đó là làm sao bố trí cán bộ theo phương châm "đúng người, đúng việc"; những cá nhân cơ hội (có suy nghĩ cơ hội) sẽ không vì bối cảnh mới mà làm ăn phi pháp...

Nhận thức rõ những thách thức sẽ gặp phải trong bối cảnh chia, tách huyện Từ Liêm, khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành khẳng định rằng: Hà Nội đang thực hiện triển khai công việc với tinh thần tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có ở huyện Từ Liêm. Đáng chú ý là bộ máy nhân sự bảo đảm tinh gọn, tinh giản theo chủ trương cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, đặc biệt là cấp quận sẽ chỉ dựa vào nguồn cán bộ hiện có của huyện Từ Liêm và thành phố Hà Nội. Trong quá trình chia tách cũng không thực hiện việc cấp đất, không được phép triển khai dự án mới. Ngoài ra, huyện Từ Liêm phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực để không vì bối cảnh "tranh tối, tranh sáng" xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, mua bán, chuyển nhượng đất đai trái quy định...

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy sẽ càng thấy câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" thấm thía biết nhường nào. Lời dạy giản dị mà sâu sắc của Người luôn cần phải học hỏi và làm theo. Bởi khi cất nhắc, đề bạt cán bộ là phải "vì công tác, vì tài năng". Nếu vì "lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang" thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối "lôi thôi" trong Đảng", là "có tội với Đảng, có tội với đồng bào". Người lại nói: "Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm". Theo Người, đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét kỹ trước khi cất nhắc, đề bạt, mà sau khi đã cất nhắc, đề bạt vẫn phải tiếp tục giúp đỡ họ… Khi họ mới có dấu hiệu sai lầm, khuyết điểm là phải chấn chỉnh ngay, đừng để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát, rồi mới đem ra "chỉnh"… Rõ ràng, vô vàn những công việc của hai địa phương hành chính mới sẽ tạo áp lực và đặt lên vai lãnh đạo thành phố cũng như đội ngũ cán bộ ở hai quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm trách nhiệm nặng nề.

Đan Nhiễm