Thủ tướng Đức thăm Ba Lan: Chuyến đi nhiều mục đích
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 13/03/2014
Nội dung cuộc gặp của Thủ tướng Đức A. Markel (phải) với nhà lãnh đạo Ba Lan là vấn đề ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. |
Có rất nhiều lý do để Vácsava cảm thấy bất an vào thời điểm này. Thứ nhất, do có đường biên giới chung với Ukraine lên tới hơn 500km nên cuộc khủng hoảng tại Ukraine chắc chắn sẽ gây ra những tác động rất lớn đến an ninh và chính trị của Ba Lan. Bên cạnh đó, cũng vì tiếp giáp với Ukraine nên thời gian qua, Ba Lan được coi là vùng đệm của EU trước "đốm lửa" Ukraine. Nếu không có Ba Lan, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine có thể "tấn công" thẳng vào trung tâm Châu Âu. Thứ hai, Ba Lan là quốc gia Đông Âu từng có thời gian dài nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Ba Lan đã chọn con đường khác và gia nhập EU, NATO. Nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine không được giải quyết triệt để, nếu cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crimea cho kết quả có lợi cho Nga, điều này sẽ tạo điều kiện để Mátxcơva vẽ lại đường biên giới tới sát gần Ba Lan hơn. Hay nói một cách cụ thể, trong trường hợp Crimea sáp nhập trở lại Nga, áp lực về mặt an ninh, quân sự đối với Vácsava sẽ gia tăng, nhất là khi nước này đang là địa điểm lắp đặt một phần hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Đông Âu. Đây là lý do cho sự năng nổ của Ba Lan đối với vấn đề Ukraine trong thời gian qua. Cũng chính Ba Lan là quốc gia tỏ ra gay gắt đòi hỏi phương Tây phải có các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn việc thay đổi thế cờ ở Ukraine.
Ngay trước chuyến thăm của nữ
Thủ tướng A.Merkel, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã kêu gọi Đức nên giảm sự phụ thuộc khí đốt vào Nga vì lợi ích của chính sách đối ngoại của EU. Thông điệp này được đưa ra ngay sau khi đại sứ 4 nước Trung Âu là Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia đã gửi một bức thư táo bạo khác thường nhằm thúc đẩy các nhà lập pháp hàng đầu trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ xúc tiến xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Châu Âu nhằm tránh phụ thuộc vào Nga. Lời đề xuất của nhóm Visegrad (V4) được đưa ra trong bối cảnh tình hình Crimea ngày càng diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Nga, báo hiệu tình trạng khủng hoảng Ukraine có thể kéo dài vô thời hạn. Vácsava tin rằng có thể ngăn chặn thành công nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Mátxcơva nếu nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là Đức cắt dần sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga - điều được xem đang hạn chế chủ quyền EU.
Xét những gì đã và đang diễn ra, không khó để có thể thấy rằng, chuyến thăm của bà A.Merkel với vai trò lãnh đạo một quốc gia trụ cột của Liên minh Châu Âu, trước hết là để trấn an người "anh em" cùng chung một "mái nhà" và cũng là một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù Đức - Ba Lan có nhiều ân oán trong quá khứ, đặc biệt là trong Thế chiến II, nhưng từ hai thập kỷ trở lại đây, quan hệ hai nước phát triển rất tốt, thậm chí được coi như một thành quả của chính sách hòa hợp trong EU. Tuy nhiên, mục tiêu chính cho chuyến thăm này là nhằm bàn thảo kỹ hơn với các nhà lãnh đạo Ba Lan về các cách thức ứng phó với khủng hoảng Ukraine, mà chính xác hơn là cách phản ứng với Nga.
Hiện tại, quan hệ giữa Đức và Nga có nhiều gắn bó về lợi ích vì Nga là nước cung cấp đến 75% nhu cầu khí đốt và dầu lửa của Đức trong năm 2013. Dù chính sách kiểm soát chặt về tài chính và doanh nghiệp của Nga khiến cho nước này trở thành điểm đầu tư kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, song Nga vẫn là thị trường quan trọng của hơn 6.000 doanh nghiệp Đức.
Vì thế, chủ trương của nhà lãnh đạo Đức hiện nay là xoa dịu những cái đầu "nóng" - mà chuyến công du của bà A.Merkel tới Ba Lan không là một ngoại lệ, đồng thời đưa ra những phương án xử lý một cách mềm dẻo hơn. Mục đích cao nhất là hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế cho Berlin và cả khu vực Châu Âu hiện vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 4 năm qua.