Hà Nội xây dựng trường chất lượng cao: Rõ lộ trình và kinh phí đầu tư
Giáo dục - Ngày đăng : 06:16, 13/03/2014
Đây không chỉ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý và thực thi mà còn là hình thức để huy động sự tham gia giám sát của xã hội trong việc phát triển mô hình trường khá mới mẻ và gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CLC. Đây là nội dung được đề cập tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển trường CLC năm 2014 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 12-3.
Chỉ xây dựng trường CLC ở nơi có đủ chỗ học
Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ban hành ngày 17-7-2013 xác định từ năm học 2013-2014, Hà Nội sẽ áp dụng mô hình trường CLC. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2015 sẽ xây dựng khoảng 30-35 trường CLC trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân.
Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này, đã ban hành được bộ tiêu chí trường CLC với 5 tiêu chí bắt buộc, gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục CLC. Đây được coi là những điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm chất lượng "đầu ra" của trường CLC. Hiện có 14 trường công lập thực hiện thí điểm theo mô hình này. Tuy nhiên, để được công nhận hay không còn tùy thuộc vào sự thẩm định và được cấp quản lý "đóng dấu", chứ không phải tự phong như hiện nay.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, quá trình triển khai cho thấy chủ trương xây dựng mô hình trường CLC trên địa bàn thành phố là đúng đắn và phù hợp với nhu cầu thực tế. Yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới xác định giáo dục không chỉ làm nhiệm vụ phổ cập, xóa mù chữ mà còn xây dựng nền giáo dục tiên tiến, CLC (điều này đã được khẳng định trong Luật Thủ đô). Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, song cũng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: Chỉ phát triển trường CLC ở những nơi đã có đủ chỗ học cho HS và việc theo học là tự nguyện. HS tùy theo điều kiện có quyền quyết định lựa chọn mô hình học phù hợp.
Thực tế, để nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, đặc biệt trong việc bảo đảm quyền lợi học tập của mọi HS, khiến phụ huynh không nhấp nhổm như thời gian đầu vì lo lắng con mình không có chỗ học, ngoài khâu tuyên truyền, Hà Nội đã tuân thủ theo đúng các nguyên tắc đặt ra. Ngoài ra, tại các quận, huyện đang có mô hình trường CLC không xảy ra bức xúc về tình trạng thiếu chỗ học.
Xác định "3 rõ"
Khó khăn chung của các trường được chọn thí điểm xây dựng mô hình CLC hiện nay là về vấn đề tài chính. Cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tưởng chừng sẽ khiến nhiều đơn vị tưởng lầm là sẽ đem lại sự thuận tiện và thoải mái trong thu - chi, nhưng thực tế không hẳn vậy. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú dẫn chứng: Mối lo nhất của trường là tính toán thu - chi như thế nào để vừa đảm đương nhiệm vụ, bảo đảm đời sống giáo viên, nhân viên, vừa phải phù hợp với đời sống để phụ huynh có thể đáp ứng được. Nhiệm vụ của trường CLC phải tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục, đòi hỏi khoản kinh phí không nhỏ, trong khi đặc thù của ngành là chỉ thu 9 tháng, trong khi phải đảm đương các khoản chi trong cả 12 tháng. Nhưng không phải vì thế mà trường có thể thu bao nhiêu cũng được. 2/3 số HS không đủ điểm vào học trường công lập mới theo học tại trường, mà khó khăn cơ bản là bài toán học phí.
Liên quan đến vấn đề tài chính, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm bày tỏ mong muốn khi xây dựng trường CLC thì triển khai cho cả trường, không nên chỉ áp dụng với khối lớp đầu cấp, tránh gây thắc mắc trong phụ huynh là tại sao mức thu khác nhau; hoặc thắc mắc vì không được học CLC như HS mới vào trường? Thực tế này còn dẫn đến sự chênh lệch trong thu nhập của các giáo viên trong trường.
Ngược lại, lãnh đạo huyện Đan Phượng lại đề xuất chỉ nên xây dựng một số lớp CLC trong trường, vì việc xây thêm trường cần nhiều điều kiện. Quận Long Biên cũng vướng khi hai trường là Trường Tiểu học Gia Thụy và Trường THCS Gia Thụy đang thực hiện thí điểm CLC đều thuộc tuyến tuyển sinh của phường, trên địa bàn phường chưa có thêm trường công lập. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến lộ trình đạt mục tiêu như nghị quyết HĐND thành phố đề ra.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Không có sự phân biệt lớp trong trường CLC, nghĩa là trong trường CLC không tồn tại hai loại hình là lớp đại trà và lớp CLC. Đây chỉ là giai đoạn quá độ trong lộ trình tiến đến xây dựng theo mô hình CLC của các nhà trường. Chỉ những trường có đủ các điều kiện theo tiêu chí mới được "đóng dấu" CLC. Về mức thu, mỗi trường tùy theo điều kiện thực tế và mức độ của các dịch vụ đáp ứng để xây dựng mức thu phù hợp, không thể thu cao quá vì sẽ khiến phụ huynh khó khăn, về lâu dài sẽ không có người học.
Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT, để đạt mục tiêu như nghị quyết HĐND thành phố đề ra, ngay trong tháng 3 này, mỗi quận, huyện cần xây dựng danh mục các trường đăng ký xây dựng CLC, trong đó xác định "3 rõ": Rõ tên trường, rõ kinh phí đầu tư và rõ lộ trình. Các trường đăng ký phải xây dựng đề án, rà soát theo các tiêu chí và trình UBND quận, huyện phê duyệt. Điều được đặc biệt lưu ý trong quá trình triển khai xây dựng trường CLC với các quận, huyện là phải bảo đảm quyền lợi học tập của mọi HS trên địa bàn, chỉ xây dựng trường CLC ở nơi đã có đủ chỗ học cho HS - nguyên tắc được xác định ngay từ đầu trong lộ trình thực hiện.