Trông người mà ngẫm đến ta

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 12/03/2014

(HNM) - Câu chuyện một hãng sản xuất tư nhân của Campuchia mới đây đã sản xuất thành công chiếc ô tô chạy điện, điều khiển bằng smartphone, đang gợi lên nhiều suy nghĩ trong dư luận nước ta.

Hẳn là không quá lời khi nói rằng sự kiện ra đời của chiếc xe Angkor đã khiến không ít "người trong cuộc" - những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước - cảm thấy nuối tiếc, lo ngại. Quả thực là với một nền công nghiệp ô tô đi trước từ rất lâu, lại được hưởng lợi từ sự "bao bọc" của Nhà nước, với những chính sách bảo hộ, ưu đãi trong suốt nhiều năm trời, thế nhưng trong lĩnh vực này Việt Nam đã tỏ ra tụt hậu so với ngành công nghiệp còn non trẻ của đất nước Chùa Tháp.

Không chỉ tụt hậu so với Campuchia (và càng rõ hơn so với các nước trong khu vực), mà đáng nói là ngành công nghiệp ô tô của nước ta còn tụt hậu so với chính mình. Nhiều người còn nhớ, những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam đã cho ra đời nhãn hiệu xe Ladalat với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40%. Tiếc rằng, ngành công nghiệp xe hơi ra đời khá sớm và rất thành công thời đó đã không phát triển được. Như nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải: "Cho đến nay, Việt Nam vẫn cứ lẹt đẹt đi sau các nước trong khu vực, thậm chí sản xuất không nổi con ốc hay sợi dây điện đạt chuẩn của ô tô". Phần lớn các doanh nghiệp đều nhập dây chuyền của nước ngoài, nguyên vật liệu của nước ngoài rồi lắp ráp, xuất xưởng và bán sản phẩm ra thị trường với sự hỗ trợ của chính sách thuế.

Chuyện tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến thời điểm này vẫn rất èo uột (chỉ đạt khoảng 10% đối với ô tô con) không phải là chuyện mới. Dư luận cũng đã nói nhiều về nguyên nhân của tình trạng này. Song rõ ràng sự phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã không đáp ứng được kỳ vọng. Đáng lo ngại hơn là không chỉ trong lĩnh vực ô tô mà công nghiệp phụ trợ cho các ngành mũi nhọn khác như cơ khí, điện tử, may mặc… hiện vẫn ì ạch ở vạch xuất phát, kể từ thời điểm Chính phủ ban hành một số chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, tháng 2-2011. Đơn cử như lĩnh vực điện tử, mặc dù năm 2013 vẫn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là Samsung chiếm 80-90% tỷ trọng xuất khẩu với tổng kim ngạch 23,9 tỷ USD nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 33%. Đáng nói là hiện có 48 DN phụ trợ nước ngoài vào Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm cho Samsung, trong khi chỉ có 4 DN trong nước - chủ yếu cung cấp… bao bì, dây buộc! Tương tự, năm 2013 được coi là một năm thắng lợi của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 17,95 tỷ USD, tăng 2,86 tỷ USD so với năm trước. Thế nhưng, để đạt được kết quả ấn tượng này, ngành dệt may trong nước phải nhập nguyên - phụ liệu lên tới gần 15 tỷ USD. Việc xây dựng các vùng sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may mới chỉ ở giai đoạn khởi động…

Rõ ràng là những lo ngại trên rất đáng báo động, khi mà thời điểm thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư đang đến gần, đặc biệt là quá trình đàm phán Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) sắp đến hồi kết. Cơ hội phát triển đang mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam song cũng đầy thách thức. Bởi vậy, nếu không hóa giải được những rào cản kìm hãm sự phát triển của công nghiệp phụ trợ trong nước, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ không thể lớn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn chỉ là người làm thuê, nhận tiền lẻ mà không thể tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu.

Hà Anh