Rắc rối vì không đồng nhất

Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 11/03/2014

(HNM) - Ngày 10-2-2014, anh Phạm Văn Thanh (cụm 3, phường Tứ Liên) đến bộ phận "một cửa" UBND quận Tây Hồ để xin cấp lại bản chính giấy khai sinh (do bị thất lạc từ hồi đi bộ đội).

Đến ngày 14-2, nhận bản chính giấy khai sinh cấp lại, anh Thanh thấy ở phần bố mẹ đẻ không ghi năm sinh. Cán bộ tư pháp có giải thích là do hồ sơ gốc không ghi năm sinh. Song, anh Thanh thấy chưa thuyết phục vì bản sao giấy khai sinh của anh có ghi: Bố đẻ 23 tuổi và mẹ đẻ 22 tuổi. Anh Thanh thắc mắc: "Không biết vì lý do gì mà khi cấp lại giấy khai sinh cho tôi, Phòng Tư pháp không ghi năm sinh hay tuổi cho bố mẹ đẻ tôi?".

Theo Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25-2-2010 về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch thì cách ghi trong giấy khai sinh là: Ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh phải xác định theo ngày, tháng, năm dương lịch. Tuy nhiên giấy khai sinh những năm trước đây chỉ ghi tuổi bố, tuổi mẹ chứ không ghi năm sinh. Điều bất cập là mẫu giấy khai sinh hiện hành đã thay đổi so với trước (chỉ còn mục ghi năm sinh, không còn mục ghi tuổi) mà hiện Bộ Tư pháp cũng chưa có quy định nào về việc đổi từ số tuổi sang năm sinh. Do đó, cán bộ "đành" bỏ trống mục năm sinh khi cấp giấy khai sinh bản chính cho công dân.

Như vậy, đây là sự không đồng nhất trong mẫu giấy khai sinh của cơ quan nhà nước ở các giai đoạn khác nhau. Việc không đồng nhất này không chỉ ở riêng lĩnh vực giấy khai sinh mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác tạo nên sự "khó hiểu" của công dân đối với việc giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước, đồng thời, gây bối rối cho cán bộ trong thực thi công vụ. Không chỉ có vậy, khi mang giấy tờ đó đi làm việc tại một đơn vị khác thì lại dễ bị gây khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần lưu ý đến vấn đề này, có ngay phương án giải quyết khi ban hành một mẫu giấy tờ thủ tục hành chính mới, tạo sự phù hợp, thuận lợi trong giao dịch hành chính của tổ chức, công dân.

Hải Vân