Nỗ lực hành động với trách nhiệm cao cả

Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 10/03/2014

(HNM) - Chiều 9-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích.


Thảo luận phương án tìm kiếm, cứu nạn. Ảnh: Hoàng Hà


Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, công tác tìm kiếm cứu nạn phải được triển khai liên tục 24/24h, tập trung vào vùng khả nghi trên biển nhưng vẫn mở rộng vùng tìm kiếm, không bỏ sót vị trí nào. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần mở rộng ra hướng Tây theo dự kiến hướng bay của máy bay và phân công rõ các lực lượng tham gia tìm kiếm. Hiện có 6 nước tham gia tìm kiếm gồm: Việt Nam, Malaysia, Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Philippines, do vậy cần phối hợp tốt giữa các quốc gia trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Quốc phòng làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc để sẵn sàng thực hiện các phương án tìm kiếm cứu nạn, điều tra nguyên nhân vụ việc trong trường hợp máy bay gặp nạn tại vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam. Do không loại trừ khả năng khủng bố nên Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nâng mức cảnh báo an ninh; Bộ Giao thông - Vận tải triển khai phối hợp với Bộ Công an để bảo đảm tốt nhất an ninh hàng không của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi hình ảnh vệt dầu loang trên vùng biển cực Nam dài khoảng 10-15km ở vùng biển chồng lấn giữa Malaysia - Việt Nam nghi có liên quan đến sự cố xảy ra với chiếc máy bay mất tích được gửi về ngày 8-3, các lực lượng không quân, hải quân, cảnh sát biển, cứu hộ cứu nạn Việt Nam luôn sẵn sàng trong tư thế lên đường hỗ trợ, phối hợp với các nước bạn tìm kiếm, cứu nạn bằng tất cả khả năng, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả… Có thể nói, ngoài Malaysia, Việt Nam là quốc gia cử số lượng máy bay và tàu tìm kiếm hùng hậu nhất.

Sáng 9-3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn 370 tiếp tục cho 3 máy bay AN 26 mở rộng phạm vi tìm kiếm cứu nạn. Đến 13h cùng ngày, các đội bay tiếp tục hành trình tìm kiếm. Tọa độ tìm kiếm ngày càng mở rộng và độ cao bay cũng thay đổi liên tục. Theo Sở Chỉ huy Sư đoàn 370, các dải nghi dầu loang đã mở rộng hơn so với khi mới phát hiện chiều 8-3, có thể kéo dài từ 10 đến 80km. Lúc 12h30, 2 máy bay MI 171 và 2 máy bay AN 26 tiếp tục bay tới vùng tọa độ có dấu hiệu khác lạ, kết hợp với máy bay DHC6, mới từ Hà Nội vào Tân Sơn Nhất lúc 13h và bay tới vùng biển mà máy bay Malaysia mất tín hiệu kiểm soát không lưu, tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay trực thăng của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị lên đường tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Hoàng Hà


Trước sự hỗ trợ nhiệt tình của Việt Nam, Chính phủ Malaysia đã hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc triển khai công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng Hàng không quốc gia Malaysia (MAS). Ngày 9-3, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã liên lạc với các Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước này. Malaysia cũng hoan nghênh sự trợ giúp tương tự từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động tìm kiếm. Người đứng đầu ngành ngoại giao Malaysia cho biết nước này đã thiết lập Trung tâm điều phối quốc gia tại Trung tâm kiểm soát thảm họa ở thành phố Cyberjaya, bang Selangor để theo dõi tình hình.

Chiều cùng ngày, đại diện MAS đã tổ chức họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, đại diện Hãng Hàng không Malaysia khẳng định tính đến thời điểm này hãng đã liên hệ được với tất cả gia đình của các hành khách trên chuyến bay MH370. Thông tin về chuyến bay đều được hãng này công khai, minh bạch và kịp thời công bố.

Trong khi đó, công tác tìm kiếm chiếc máy bay vẫn tiếp tục. Theo thông tin mới nhất, Hãng Thông tấn Bernama của Malaysia dẫn thông tin từ cơ quan thực thi hàng hải nước này cho biết họ đã tìm thấy một vết dầu loang lớn ở khu vực Tok Bali, ngoài khơi quần đảo Kelantan khoảng 100 hải lý, theo đó sẽ gửi đi phân tích nhằm xác định xem liệu loại dầu này có phải là của chiếc máy bay MH370 nói trên hay không.

Ngày 9-3, truyền thông Mỹ đưa tin Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) đang cử các đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ điều tra vụ mất tích máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Malaysia (MAS). Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước này đang điều tra mối liên hệ khủng bố trong vụ mất tích của chuyến bay MH370 và các điều tra viên đang tìm hiểu danh tính của 2 hành khách mang hộ chiếu giả trên chuyến bay, song chưa xác định liệu máy bay có bị tấn công hay không. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cũng đã yêu cầu rà soát lại hệ thống an ninh của nước này sau khi có tin nói 2 hành khách lên chiếc máy bay đang mất tích bằng hộ chiếu ăn cắp.

Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết khoảng 13h30 ngày 9-3 (giờ địa phương), tàu cảnh sát biển 3411 của Trung Quốc đã vào vùng tâm điểm trong vùng biển nghi ngờ máy bay chở khách của Malaysia bị mất liên lạc. Người phụ trách Trung tâm chỉ huy hải cảnh Trung Quốc cho biết đã thành lập 6 tổ công tác gồm quan sát, tìm kiếm cứu nạn, thông tin, y tế, thuyền máy cứu nạn và bảo đảm hậu cần, đồng thời triển khai hành động tìm kiếm cứu nạn. Tàu cảnh sát biển 3411 có lượng rẽ nước hơn 4.400 tấn, 61 thuyền viên, có kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trung Quốc đã có công hàm đề nghị Việt Nam cho phép 2 tàu hải quân của Trung Quốc cùng tham gia tìm kiếm và đã được Việt Nam cho phép. Về phần mình, Hãng Hàng không Malaysia (MAS) cho biết sẽ lập một trung tâm chỉ huy ở Kota Baru của Malaysia hoặc ở TP Hồ Chí Minh của Việt Nam ngay sau khi xác định được vị trí của máy bay bị mất tích nói trên.  

Thùy Dương