Những điều thiết thực, giản dị
Xã hội - Ngày đăng : 05:48, 10/03/2014
Dựa trên quan điểm cho rằng con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và đến lượt nó, văn hóa tác động sâu sắc đến sự phát triển con người, hiển nhiên chủ đề hội thảo nói trên liên quan đến vấn đề mang tính cốt lõi, đụng đến các thành tố cơ bản tạo nên nguồn lực nội sinh, không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của riêng Hà Nội.
Với một cuộc hội thảo khoa học, điều được quan tâm không chỉ có thực trạng vấn đề liên quan, mà còn là kiến giải cho vấn đề được nêu. Ở hai hội thảo nói trên, nói về phần thực trạng, so với nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà một phần quan trọng giờ vẫn được người Hà Nội bảo lưu và phát triển lên, quả thật đã có những diễn giải mang lại sự lo ngại. Chẳng hạn, theo ý kiến của TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, qua 30 năm đổi mới, rất dễ kể tên những công trình văn hóa mà Hà Nội đã xây dựng, nhưng rất khó chỉ ra công trình tiêu biểu mang dấu ấn riêng, hoặc giả là công trình văn hóa xứng đáng với tầm vóc lịch sử và vị thế quan trọng của một thành phố - thủ đô. Bàn về phát triển con người, điều đáng nói là giới nghiên cứu đã nêu tính xấu của một bộ phận người Hà Nội hiện đại, như TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) "đúc kết" thì là "đố kỵ, tiểu nông, tính bình quân chủ nghĩa, ham muốn quyền lực và dễ tha hóa bởi quyền lực, bè phái cục bộ, tùy tiện". TS Nguyễn Chí Mỳ (Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long), nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng: "Tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí, coi trọng trí tuệ và đạo đức của người Hà Nội đang bị xói mòn nghiêm trọng và nhiễm lối sống chạy theo tiền bạc, danh lợi; thái độ thô lỗ, cục cằn, không tôn trọng mình và thậm chí là không biết ngượng có chiều hướng gia tăng, nhất là ở lớp trẻ".
Những ý kiến nói trên bàn về "mặt trái" trong quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người - hai vấn đề vốn được Hà Nội quan tâm trong suốt gần 30 năm đổi mới, về bản chất không làm thay đổi hay xóa nhòa những thành tựu to lớn mà Hà Nội đã đạt được. Tuy nhiên, đó thực sự là vấn đề gây quan ngại, đặc biệt là khi định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô đã được khẳng định từ lâu và luôn được tạo điều kiện trong quá trình triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản. Vấn đề là vì sao chúng ta chưa thể tạo kết quả đầy đủ như mong muốn?
Tại hai cuộc hội thảo nói trên, ý kiến của TS Bùi Xuân Đính rất đáng được quan tâm. Ông nói đại ý rằng, tật xấu, thói hư hiện hữu hằng ngày, rất tiếc là các văn bản thường chú trọng đến việc xây dựng mẫu hình con người mới mà chưa đưa ra được giải pháp khả thi nhằm khắc phục mặt trái. Có lẽ, với những ai quan tâm đến quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội, nhận xét nói trên mở ra, hoặc gợi lại những hạn chế trong việc đề ra giải pháp cho vấn đề và đặc biệt là trách nhiệm triển khai thực hiện giải pháp đó. Trong 30 năm đổi mới, đã có những chỉ thị, nghị quyết quan trọng liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội, trong đó có phát triển văn hóa và con người như Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 15/NQ/TƯ (năm 2000) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2001-2010; Nghị quyết số 11/NQ-TƯ (năm 2012) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2011-2020… Những nội dung tư tưởng, định hướng cơ bản về xây dựng và phát triển Thủ đô đã được thể hiện sáng tạo, được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, XIV, XV của Đảng bộ TP Hà Nội. Cũng trong khoảng thời gian đó, đặc biệt là trong quá trình dài chuẩn bị tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10-2010), Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, tổ chức rất nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đặc biệt là các hội thảo khoa học về chủ đề liên quan nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thực hiện mục tiêu nói trên. Đã có hội thảo quốc tế, đã có hội thảo khoa học cấp quốc gia về người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thậm chí đã có chương trình nghiên cứu cấp nhà nước "Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô" (mã số KX.09), bao gồm các đề tài "nhánh" liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa, phát triển con người như "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch
sử - văn hóa, cách mạng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội", "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội", "Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Hà Nội trong quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô", "Phương hướng, giải pháp lớn phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa để phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020".
Chỉ thị, nghị quyết các cấp nêu vấn đề mang tính khái quát, dẫn đường; văn bản hướng dẫn triển khai của thành phố thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình tổng thể. Những điều đó cần được triển khai thực hiện một cách sáng tạo, khoa học, nhất là phải tỏ rõ sự thiết thực đối với điều kiện, yêu cầu của từng địa phương, ngành thì mới mong tạo chuyển biến thực sự. Trong thực tế những năm qua, khi vẫn còn không ít hiện tượng đi ngược lại mục tiêu phát triển, như ý kiến nhận định của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi được báo chí dẫn lại rằng: "Đời sống tinh thần của một bộ phận người dân có mặt xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, tội phạm ngày càng trẻ hóa, truyền thống thanh lịch phai nhạt, mai một dần". Như vậy, rõ ràng là việc triển khai thực hiện các quyết sách lớn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô có sự hạn chế nhất định, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tạo dựng cơ sở lý luận và thực tế nhằm đề ra giải pháp khả thi.
Dù muốn hay không, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng việc tổ chức hội thảo và tọa đàm mang tính khoa học về vấn đề liên quan hiện chưa mang lại hiệu quả đầy đủ, có thể do công tác tổ chức chưa khoa học, có thể do mục tiêu luận bàn chưa sát với tình hình và mục tiêu cần đạt được, thậm chí còn do ý thức trách nhiệm và trình độ của đại biểu được mời chưa cao nên tham luận còn chung chung, chưa thể là gợi ý xác đáng cho việc hoạch định chính sách. Với những điểm hạn chế nói trên, một số hội thảo thiếu tính thiết thực: Đa số tham luận thiên về mô tả thực trạng, "tỉ mỉ hóa" hạn chế nhưng không đưa ra được nguyên nhân xác đáng và từ đó, phần giải pháp cũng thất bại. Sau gần ba chục năm đổi mới và trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng, tiêu chí xây dựng người Hà Nội có sự khác xưa, chỉ có nét đẹp truyền thống thôi thì chưa đủ. Trong quá trình tổ chức một buổi tọa đàm về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, do một quận ở Hà Nội tổ chức cách nay hơn chục năm, thậm chí đã có nhà khoa học thuộc một viện nghiên cứu "bê" nguyên bài viết đã in sách cách đó 6-7 năm để "góp" cho ban tổ chức. Đó có thể là ví dụ "tồi tệ nhất" liên quan đến chất lượng ý kiến đóng góp tại các hoạt động khoa học diễn ra trong thời gian gần đây.
Đôi khi một số người trong chúng ta có xu hướng "phức tạp hóa vấn đề", kiếm tìm kiến giải cao siêu dù trong thực tế cần giải pháp trực tiếp "đúng, trúng, phù hợp". Chẳng hạn, như đã thấy, việc xác định tiêu chí và giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trải qua một hành trình vật vã hàng chục năm, trong khi thực tế, như lời một nhà giáo Hà Nội đã nghỉ hưu, nó có thể được xác định đơn giản hơn rất nhiều, như một thứ cẩm nang "Những điều người Hà Nội cần biết", rằng người Hà Nội hiện đại phải "biết sợ, biết nhịn, biết nể, và biết ngượng". Xét cho cùng, đó là những điều cơ bản và rất giản dị mà một người tử tế cần có, mà có tử tế thì mới mong thanh lịch, văn minh được. Và điều đó đâu phải cần những kiến giải cao siêu cùng với sự lớn tiếng!?
Trong một thời gian dài, trước những biểu hiện xuống cấp về ứng xử và lối sống của một bộ phận dân cư, không chỉ riêng Hà Nội, người ta đã nói quá nhiều về sự ảnh hưởng từ dòng chuyển cư, cái gọi là "nông thôn hóa thành thị", "tốc độ đô thị hóa nhanh", "mặt trái cơ chế thị trường"… Trong bối cảnh và sự vụ cụ thể, lập luận đó ở mức độ nào đó thì không sai, nhưng nếu quá chú tâm vào những vấn đề đó quá mức, hoặc cố ép đó là nguyên nhân chính thì chẳng khác mấy so với việc tìm kiếm bia đỡ đạn và ẩn mình sau đó. Thay vì tìm lan man với những "giải pháp liên đới" cao siêu và... sách vở, có lẽ đã đến lúc cần tập trung nguồn lực vào mục tiêu và giải pháp giáo dục ý thức công dân, tạo nền tảng cơ bản cho sự hình thành sức mạnh nội sinh bền vững với những việc thiết thực và giản dị.