Hoạch định tương lai

Thể thao - Ngày đăng : 06:06, 09/03/2014

(HNM) - Có thể khẳng định việc Quy hoạch phát triển TDTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được công bố sáng 7-3 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội (Mỹ Đình - Từ Liêm) là sự kiện nổi bật của ngành TDTT Thủ đô trong năm 2014.



Như chia sẻ của Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân thì "Từ năm 1954 đến nay, ngành TDTT Thủ đô mới có được một bản quy hoạch đầy đủ, toàn diện, theo đánh giá của nhiều chuyên gia là khó có thể làm tốt hơn trong hoàn cảnh hiện nay".

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội là “cái nôi” đào tạo VĐV thành tích cao. Ảnh: Quang Thắng


"Kim chỉ nam" cho mọi hoạt động

Quy hoạch đã xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và hệ thống giải pháp cụ thể nhằm phát triển TDTT Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Căn cứ vào quy hoạch, Sở VH,TT&DL và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; các quận, huyện, thị xã sẽ xây dựng các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm và những chương trình dự án trọng điểm để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển ở từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn cụ thể. Điều quan trọng là trong quá trình thực hiện quy hoạch, dù vị trí quản lý, thực hiện nhiệm vụ có sự thay đổi thì điều đó cũng không gây cản trở đến định hướng, mục tiêu phát triển và lộ trình thực hiện. Đó là giá trị không thể bàn cãi của bản quy hoạch này.

Với quan điểm "phát triển TDTT là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục con người phát triển toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần của lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống", UBND TP Hà Nội đã xác định rõ 3 mục tiêu chung của thể thao Thủ đô. Cụ thể là: Xây dựng nền TDTT tiên tiến, đa dạng, đa tầng và đồng bộ, xứng tầm với vị thế Thủ đô - đô thị lớn; TDTT Hà Nội phải giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về phát triển TDTT, thi đấu thể thao, có nhiều môn thể thao vững vàng trong tốp đầu Đông Nam Á; xây dựng Hà Nội là trung tâm đào tạo VĐV và trọng tài cho quốc gia. Tập trung phát triển một số bộ môn thể thao thành tích cao, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực để giành ngày càng nhiều huy chương tại các kỳ SEA Games, Đại hội Thể thao Châu Á và Olympic.

Xét từ nhiều góc độ, bản quy hoạch này xứng đáng là "kim chỉ nam" cho hoạt động TDTT Thủ đô trong thời gian tới.

Triển khai quy hoạch: Lồng ghép mục tiêu tổ chức ASIAD 18

Sau khi quy hoạch chính thức được công bố, các nhà quản lý và chuyên môn sẽ phối hợp xây dựng và triển khai việc thực hiện theo đúng lộ trình được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2014-2015), Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ VH,TT&DL, UB Olympic quốc gia xây dựng kế hoạch và các đề án, dự án chuẩn bị cho ASIAD 18 - Hà Nội - năm 2019, thể hiện, lồng ghép các mục tiêu và giải pháp thực hiện quy hoạch với kế hoạch chuẩn bị ASIAD của quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng và thực hiện các đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm của Hà Nội, đào tạo VĐV cấp cao hướng vào thực hiện các mục tiêu dự kiến sẽ đạt được tại ASIAD - Hà Nội 2019 và Olympic lần thứ 32 tại Tokyo (năm 2020).

Một nhiệm vụ quan trọng không kém: Hà Nội sẽ xúc tiến các công việc chuẩn bị và triển khai cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có, khởi công xây dựng mới các công trình thể thao phục vụ công tác tổ chức ASIAD 18 - Hà Nội - 2019 trên địa bàn Thủ đô, bao gồm Khu Liên hợp thể thao ASIAD Cổ Loa - Đông Anh, Làng ASIAD ở Thượng Thanh - Long Biên, Trung tâm đua thuyền Lạc Long Quân - Hồ Tây và một số SVĐ, NTĐ… Dự báo nhu cầu vốn cho giai đoạn này khoảng 1.550 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (2016-2020), Hà Nội sẽ hoàn thành việc nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và thi đấu vào năm 2018 theo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội - 2019. Đó là các công trình SVĐ Hàng Đẫy, SVĐ Hà Đông, Cung Thể thao Quần Ngựa, Cung Điền kinh Mỹ Đình, Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, các NTĐ Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Trịnh Hoài Đức, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Từ Liêm, Trung tâm đua thuyền Lạc Long Quân, trường bắn Mỹ Đình với tổng nhu cầu vốn là 1.084 tỷ đồng (theo Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020). Những công trình thể thao mới như Khu liên hợp ASIAD Cổ Loa - Đông Anh, Làng ASIAD ở Thượng Thanh - Long Biên, khu vực dành cho đua xe đạp địa hình… cũng sẽ được hoàn thành vào năm 2018, kịp thời phục vụ ASIAD 18.

Giai đoạn 3 (2021-2030), thành phố sẽ tiến hành chống xuống cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa các công trình TDTT đã có, tiếp tục triển khai hoàn thành các hạng mục còn lại của các khu liên hợp, triển khai xây dựng 3 trung tâm thể thao vùng: Phía bắc (Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn), phía tây (Sơn Tây - Hà Đông), phía nam (Phú Xuyên). Dự báo nhu cầu vốn giai đoạn này từ 10.700 đến 11.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu đầu tư phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ước tính cần khoảng 18.200 - 19.500 tỷ đồng.

Còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Hiện tại, Hà Nội đang chờ Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chuẩn bị ASIAD 18 - Hà Nội -2019, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho Hà Nội để triển khai lồng ghép trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển TDTT Thủ đô.

Một số chỉ tiêu phát triển của TDTT Hà Nội

* Về thể thao quần chúng: Tỷ lệ người dân tập luyện thường xuyên: Phấn đấu đạt 32-33% dân số vào năm 2015, đạt 41-42% dân số vào năm 2020; 45-46% dân số vào năm 2030.

* Về thể thao thành tích cao: Tại Olympic 31-2016, có 10-12 VĐV tham dự và phấn đấu có huy chương. Tại Olympic 32-2020 và các Olympic tiếp theo đến 2030 có 13-15 VĐV trở lên tham dự, phấn đấu có trên 2 huy chương, trong đó có HCV. Tại ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, đóng góp 35-36% VĐV cho đoàn TTVN, phấn đấu có tối thiểu 5 HCV. Là lực lượng nòng cốt của đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games, đóng góp trên 30% tổng số HCV, giúp TTVN vững vàng ở nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á. Tại Đại hội TDTT toàn quốc, phấn đấu giữ vị trí nhất toàn đoàn.

* Diện tích đất dành cho TDTT: Tổng nhu cầu đất quy hoạch của TDTT đến năm 2020 là 1.834ha, năm 2030 là 3.900-4.000ha. Đến 2020, đất dành cho hoạt động TDTT đạt 2,3-2,5m2/người, năm 2030 đạt 4m2/người. Mỗi quận, thị xã có tối thiểu 3-4ha và mỗi huyện có tối thiểu 6-7ha đất dành cho thiết chế TDTT tập trung thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Mỗi phường có tối thiểu 0,3ha, mỗi xã có tối thiểu 1,5-2ha đất TDTT.

Mai Hoa