Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chúc mừng Hội Liên hiệp phụ nữ

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 08/03/2014

Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho mọi người (HNM) - Ngày 7-3, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến chúc mừng cán bộ, hội viên Hội LHPN Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao truyền thống vẻ vang, những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam trân trọng cảm ơn và hoan nghênh những đóng góp to lớn của phụ nữ cả nước và các cấp Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam và TƯ các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần phát huy vai trò, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam. Đồng thời bày tỏ mong muốn, trong năm 2014, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục sáng tạo, có nhiều chương trình, hoạt động củng cố hạnh phúc gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chúc toàn thể chị em phụ nữ cả nước nói chung và TƯ Hội LHPN Việt Nam nói riêng có nhiều sáng tạo, sâu sắc, hiệu quả trong công việc để Mặt trận có thêm một tổ chức thành viên xuất sắc; chúc hội ngày càng vững mạnh, phát huy tốt vai trò thành viên của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

*Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức diễn đàn "Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho mọi người" nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Điều đó được thể hiện qua việc tăng cường công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới từ TƯ đến địa phương. Các chính sách mới ban hành đã góp phần hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới như: Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo cấp cao ở các bộ, ngành; bảo đảm chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi; bảo vệ quyền lợi của người giúp việc gia đình, ngăn chặn quấy rối tình dục nơi làm việc… Đặc biệt, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã khẳng định "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt", "Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới… Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và thế giới, đứng thứ 43/143 nước và 2/8 nước ASEAN có nghị viện… Tuy vậy, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, thách thức, tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp, chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh tiếp tục tăng… Tạo diễn đàn các đại biểu đã đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao đời sống phụ nữ khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số…

Khánh Thu