Vũ Quỳnh Hương học cách “Im lặng mà buông tay”

Sách - Ngày đăng : 17:31, 07/03/2014

(HNMO)- Nhà thơ nữ Vũ Quỳnh Hương luôn tin rằng “khi tình yêu ra đi chỉ còn thi ca ở lại”, vì thế nên đối diện với những thất bại, hay nỗi đau, điều khó nhất phải học đó là học cách “buông”, “bỏ”. Vũ Quỳnh Hương vừa cho ra mắt độc giả tập thơ mới “Im lặng mà buông tay”.


Vốn được mệnh danh là “Người đẹp viết văn”, không phải đến bây giờ Vũ Quỳnh Hương mới được chú ý. Cô từng là thành viên trẻ nhất của bút nhóm học sinh đình đám “Hương đầu mùa”. Không chỉ được biết đến với tài năng viết văn, cô còn là nhan sắc được tôn vinh với ngôi vị Á khôi trong cuộc thi Vẻ đẹp học đường học sinh - sinh viên toàn quốc 2000. Trước “Im lặng và buông tay”, Quỳnh Hương từng được nhiều độc giả yêu thích với hai cuốn truyện tranh “Con bò treo cửa”, “Trang trại kiến”, tập thơ “Nếu yêu thì phải nói” và tập truyện “Trái tim của Sói”…

Bìa cuốn "Im lặng mà buông tay" của Vũ Quỳnh Hương.



“Im lặng mà buông tay” là tập thơ gồm hơn 30 bài thơ, được Quỳnh Hương viết từ những cảm xúc thật của cô trong cuộc sống. Nó có thể coi là những trải nghiệm của cô trong cuộc sống, tình yêu. Quỳnh Hương chia sẻ, cô viết những bài thơ này “ở đỉnh của niềm vui, và đáy nỗi buồn”. Với Hương, cái khó nhất là học cách ứng xử trong thất bại, vượt qua những chấp niệm để hiểu rằng mọi buông bỏ chỉ là kết thúc để bắt đầu, để dũng cảm chấp nhận, để quên đi những hố sâu mà tiếp tục Sống và Yêu - là điều mà mỗi con người hiện đại cần phải học...

"Người đẹp viết văn" Vũ Quỳnh Hương.



Từ một người đàn bà mạnh mẽ trong “Nếu yêu thì phải nói” đến “Im lặng mà buông tay” khiến ai đọc đều cảm nhận Quỳnh Hương đã trải nghiệm với tình yêu rất nhiều, và chắc hẳn cũng có cả những trải nghiệm buồn. Khi được hỏi về tình yêu, Vũ Quỳnh Hương rất thẳng thắn chia sẻ: “tôi chắc chắn mọi người sẽ thắc mắc về điều đó và muốn suy đoán tôi yêu nhiều hay ít?! Tôi có thể khẳng định, số lần tôi tan nát vì đàn ông đủ cho những người đàn bà trong cùng hoàn cảnh đã phải thu mình trong vỏ ốc, xây thành lũy đề phòng và đêm đêm viết câu chuyện cảnh giác, hòng đạt đến cảnh giới để không ai có thể làm tổn thương mình, bởi những đau đớn đó là những cảm giác nhiều khi tưởng không thể chịu đựng nổi.



Nhưng tôi lại cho rằng – ngay cả nỗi đau – cũng là một sự ân hưởng. Bởi thứ mà tạo hóa ban tặng và giúp cho con người nhận biết mình khác với những sinh vật khác – chính là cảm xúc, dù là cảm xúc yêu thương hạnh phúc hay hụt hẫng thất vọng.

Chính thế, nên mặc kệ mọi hẫng hụt, tôi vẫn thấy đàn ông đáng yêu, và tin rằng đâu đó trong đời vẫn có một người đàn ông đáng tin cậy đang chờ ở đâu đó. Khi nỗi đau đến tận cùng sẽ là cửa mở cho hạnh phúc.

T.Minh