Hành trình gian nan

Công nghệ - Ngày đăng : 06:51, 07/03/2014

(HNM) - Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những thách thức to lớn khi tốc độ tăng trưởng trong vài năm trở lại đây xu hướng tiếp tục giảm. Để ngăn chặn đà suy thoái, thời gian tới, tăng trưởng nông nghiệp sẽ chủ yếu phải dựa vào đổi mới chính sách phát triển DN và khoa học, công nghệ (KH&CN),


Hạn chế về chính sách

Ngành nông nghiệp Việt Nam sau thời kỳ đổi mới thành công trong việc giải quyết nhu cầu về lượng, tạm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, những năm gần đây đã bộc lộ những hạn chế mà ngành KH&CN còn chưa giúp giải quyết và khắc phục một cách hiệu quả. Là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng giá bán các mặt hàng này của Việt Nam không cao do chất lượng thấp hơn đối thủ cạnh tranh và vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Ngoài ra, nước ta đang phải đối phó với sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu, được dự báo ảnh hưởng nặng nề tới nông nghiệp. Đó là chưa kể những vấn đề mới xuất hiện đe dọa sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp như tình trạng ô nhiễm nông nghiệp, sự hoành hành của dịch bệnh.

Một vườn ươm giống nhãn muộn của dự án “Liên kết để tăng nguồn thu từ cây trồng ít phổ biến”.
Ảnh: Bá Hoạt



Tại hội thảo "Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp khu vực Bắc bộ" do Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết: Việc ứng dụng đổi mới công nghệ trong các DN nông nghiệp và nhiều khu vực sản xuất còn diễn ra chậm chạp. Công nghệ sinh học, công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm và công nghệ cơ khí - chế tạo... vẫn lạc hậu. Ngoài ra, có nhiều yếu tố hạn chế DN ứng dụng KH&CN vào sản xuất như: Năng lực đầu tư của DN còn thấp, sự phát triển yếu kém của thị trường công nghệ và thiếu thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân được đánh giá là quan trọng nhất, kìm hãm đáng kể khả năng ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là cơ chế chính sách.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT: DN hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nguyên nhân chính là có nhiều rủi ro, hiệu quả thấp. Họ chủ yếu tham gia đầu tư vào nông nghiệp ở các khâu thu gom, sơ chế, tiêu thụ, ít quan tâm đến chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2000 đến 2010, tổng mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt từ 5 đến 6% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2010 là 6,9%. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với mức đầu tư khiêm tốn như vậy, rất khó ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian ngắn.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ: Nghị định 210/2013/NĐ-CP có quy định khuyến khích áp dụng KH&CN vào sản xuất như hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới cho DN, hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho dự án sản xuất thử nghiệm. Đây là một bước chuyển tích cực, cơ sở để thu hút DN, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến.

Bước chuyển mang nhiều kỳ vọng

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội NN& PTNT, công nghệ mới là một trong 3 vấn đề lớn của kinh tế thị trường mà nhà nông không thể tự giải quyết được, bên cạnh thị trường - thương hiệu và vốn đầu tư. Với tầm nhìn mới trong nông nghiệp, giải pháp ứng dụng công nghệ cao có tính quyết định trong việc tăng trưởng bền vững và ổn định. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ. Việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn và ứng dụng KH&CN ở các DN còn rất hạn chế. Mặc dù các DN đã ý thức được việc đổi mới công nghệ là chìa khóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhưng do gặp nhiều khó khăn nên mức đầu tư đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu. Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng sau hai năm thực hiện, chính sách này không vào được cuộc sống. Chính vì vậy, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP để thay thế, có hiệu lực thi hành kể từ tháng 2-2014.

Để phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, không có gì khác là phải đẩy mạnh hơn nữa đầu tư ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Thời gian tới, tăng trưởng nông nghiệp sẽ phải chủ yếu dựa vào phát triển DN KH&CN, trong đó phát triển DN giữ vai trò chủ đạo trong gia tăng chuỗi giá trị nói chung. Tuy nhiên, để có sự tăng trưởng một cách ổn định và hiệu quả, những giải pháp trên cần thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ từ phía nhà nước, DN và nông dân.

Ánh Tuyết