Bộ VHTT-DL chính thức lên tiếng về "số phận" cầu Long Biên

Văn hóa - Ngày đăng : 17:43, 06/03/2014

Bộ VHTT&DL không đồng ý với cả 3 phương án xây dựng vị trí cầu vượt sông Hồng của Bộ Giao thông Vận tải.


Theo văn bản số 551 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban hành ngày 04/03/2014 trả lời Công văn của Bộ Giao thông Vận tải về việc xin ý kiến đối với Phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, đối với từng phương án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:

Đối với phương án 1, xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy đây là một phương án di chuyển di tích đến một địa điểm hoàn toàn mới và bảo tồn theo hình thức bảo tàng. Do đó, Bộ không đồng ý với phương án này.


Đối với phương án 2, xây dựng cầu mới có hình dáng tương tự như cầu cũ theo thiết kế ban đầu nhưng có công năng thay đổi để khai thác theo nhu cầu phát triển giao thông đô thị, với phương án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng giá trị di sản của cầu Long Biên đối với Việt Nam và thế giới rất đậm nét, nổi bật là giá trị trong lịch sử cận đại của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đến nay, cầu Long Biên vẫn là biểu tượng của Hà Nội, góp phần vào việc tuyên truyền lịch sử cho thế hệ mai sau. Phương án này sẽ làm biến mất hoàn toàn di tích. Do đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đồng ý với phương án này.

Đối với phương án 3, xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn, phương án này đã thể hiện được việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, phương án này vẫn gây tác động làm biến dạng cầu Long Biên, do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cần nghiên cứu lại.

Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Ứng xử với cầu Long Biên không phải ứng xử với chỉ đơn thuần như một thiết chế giao thông, nó là thiết chế văn hóa, là sản phẩm văn hóa tinh thần gắn liền với hình ảnh của Hà Nội. Trải qua thời kỳ kháng chiến, bom đạn và sau này là giai đoạn sau chiến tranh thì hình ảnh cầu Long Biên luôn là biểu tượng tinh thần về văn hóa. Không đơn giản chỉ là anh muốn làm cái khác thì anh đưa nó đi nơi khác để trùng tu, tôn tạo di sản điều đó là mất đi ý nghĩa của bảo tồn di sản mà theo luật di sản thế là sai”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng, kiến thúc, giao thông đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đối với Dự án. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia cầu Long Biên, lập phương án tu bổ, bảo tồn cây cầu hiện tại và nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng cầu mới tách khỏi cầu hiện có./.  

Theo Ngọc Ngà/VOV