Yêu cầu cấp bách để đổi mới giáo dục

Giáo dục - Ngày đăng : 06:48, 06/03/2014

(HNM) - Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ giáo viên (GV) luôn đóng vai trò quyết định, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường và toàn ngành. Đây cũng chính là căn cứ để Sở GD-ĐT Hà Nội xác định việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ GV làm khâu đột phá trong lộ trình triển khai


Giải pháp then chốt

Hà Nội hiện có hơn 70 nghìn GV các cấp, nhiều nhất trong các địa phương trên cả nước. Mỗi năm, đội ngũ này được bổ sung khoảng 7 nghìn người, góp phần đáp ứng nhu cầu của các nhà trường. Theo đánh giá chung, hầu hết GV đều cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, với những khác biệt nhất định về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, chất lượng GV ở các trường vẫn chưa thực sự "đồng đều", khiến cho chất lượng giáo dục vẫn còn khoảng cách. Vì vậy, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, vững về chất lượng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong nhiều năm qua.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Thái Hiền



Năm năm qua, kinh phí dành cho công tác bồi dưỡng GV tăng liên tục, từ 8 tỷ đồng lên hơn 20 tỷ đồng/năm, góp phần hoàn thiện về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho các thầy, cô giáo, nhất là GV tại địa bàn các huyện. Nhờ đó, tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng đã giảm. Tính đến năm học 2013-2014, 100% GV đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn ngày càng cao. Việc rút gần khoảng cách về chất lượng dạy học giữa các nhà trường đã khiến cho những "điểm nóng" về tuyển sinh đầu cấp không còn căng thẳng như vài năm trước. Tại các kỳ thi phổ thông cấp quốc gia, quốc tế, ngoài HS của các trường có truyền thống dạy học và ở nơi thuận lợi, ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới tại các địa bàn khó khăn như Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Sơn Tây…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, đây là căn cứ, cũng là thuận lợi để toàn ngành kiên trì với mục tiêu tập trung đầu tư cho chất lượng đội ngũ GV trong giai đoạn tới. Trong đó, vấn đề được đặc biệt coi trọng là bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng, coi đây là giải pháp then chốt để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tại cuộc họp mới đây với Sở GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Giáo dục là một ngành đặc thù. Vì vậy, yếu tố người thầy có vai trò then chốt trong việc tạo ra "sản phẩm" giáo dục có chất lượng. Điều này được khẳng định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Hà Nội và là bài toán gốc để nâng cao chất lượng giáo dục. Phó Chủ tịch yêu cầu ngành GD-ĐT phải xây dựng cụ thể nhiệm vụ, lộ trình nhằm tạo bước chuyển mạnh về chất lượng đội ngũ GV.

Thách thức không nhỏ

Vấn đề vướng nhất hiện nay trong lộ trình triển khai giải pháp về nâng cao chất lượng GV là công tác đào tạo lại để các thầy, cô đáp ứng có chất lượng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục sẽ tích hợp mạnh ở cấp học dưới, phân hóa sâu ở các lớp trên. Vài năm tới, GV cấp THCS sẽ phải điều chỉnh phương pháp dạy theo hướng liên môn. Trong khi đó, GV hiện nay hầu hết được đào tạo chuyên ngành. Thực tế ấy đòi hỏi phải có chương trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng, đào tạo lại để chủ động trang bị cho đội ngũ GV hiện có những kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới chứ không thể chờ các trường sư phạm.

Việc giải bài toán về chất lượng GV còn đứng trước một thách thức không nhỏ khác. Đó là sức ỳ, ngại thay đổi vốn đã trở thành "truyền thống" của nhiều GV. Đây dường như cũng là "mẫu số chung" lý giải nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại của đội ngũ GV. Thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn chứng: GV trẻ thường có khả năng tiếp thu nhanh những yêu cầu cải cách và có khả năng thực hiện những đổi mới ở một chừng mực nào đó, nhưng tỷ lệ này ở các trường thường chỉ chiếm trên dưới 50%. GV từ 40 tuổi trở lên thường dạy theo kinh nghiệm và ngại thay đổi. Thực tế cho thấy, nếu có bồi dưỡng cho đội ngũ này thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn là đâu lại vào đấy.

GS.TS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015) cho rằng, việc bồi dưỡng GV về cả nhận thức lẫn chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu cấp bách và bắt buộc để đáp ứng với mục tiêu của chương trình mới. Để thay đổi tư duy, phương pháp dạy học đã ăn sâu trong họ là rất khó, cần phải có một quá trình dài.

Thống Nhất