Bài 1: Vấn đề cũ, bức xúc mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 06/03/2014
LTS: Từ ngày 1-7 tới, Luật Tiếp công dân có hiệu lực với nhiều thay đổi trong công tác giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, bất cập chính hiện nay là một bộ phận cán bộ yếu, thiếu, thậm chí đôi lúc còn thờ ơ, vô cảm trước các vấn đề bức xúc của người dân. Trong khi đó, những giải pháp khắc phục do Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cùng đề xuất mới đây chưa thể giải quyết hết những vấn đề đặt ra. Báo Hànộimới đã thực hiện loạt bài phản ánh công tác này tại địa bàn Thủ đô.
Bài 1: Vấn đề cũ, bức xúc mới
Năm 2013, dù có giảm 14,8% số đơn thư KNTC tiếp nhận so với năm trước, nhưng trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tình trạng KNTC vượt cấp. Cá biệt, một số trường hợp KNTC có tổ chức, sự liên kết của các đoàn, lợi dụng quyền KNTC để kích động, xúi giục, lôi kéo tập trung đông người, mang băng zôn, biểu ngữ tạo sức ép với các cơ quan chính quyền, gây mất an ninh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội…
Giải quyết triệt để những vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T2 sân bay Nội Bài mà còn làm giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn. Ảnh: Huy Hùng |
Đất đai vẫn là vấn đề "nóng"
Câu chuyện này không mới trong chục năm gần đây, nhưng vẫn ăm ắp tính thời sự, bởi hằng tuần, các cơ quan chính quyền và các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội vẫn nhận được những đơn thư của công dân liên quan đến lĩnh vực này. Nguyên nhân do chính sách pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, chồng chéo và liên tục thay đổi, gây so bì giữa các hộ dân, làm phát sinh KNTC.
Huyện Sóc Sơn là địa phương quyết liệt trong công tác dồn điền, đổi thửa và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án trọng điểm của TƯ và thành phố như: Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải 2.000 tấn/ngày đêm… Vì vậy, tình hình KNTC ở địa phương này khá phức tạp, năm 2013 tiếp nhận 559 đơn, tăng 50 đơn so với năm 2012; có 6 đoàn khiếu kiện đông người, tăng 2 vụ so với năm trước. Đa số các vụ khiếu kiện, đơn thư đều liên quan đến GPMB, chính sách bồi thường hỗ trợ và công tác dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt cho biết, lý do tăng các vụ KNTC là vì trong 4 năm qua, huyện đã GPMB gần 10.000ha, liên quan đến 100% thôn, xóm, 40% hộ dân trên tổng số hơn 82.000 hộ dân trên địa bàn huyện. Thực trạng đơn thư KNTC nhiều là điều khó tránh, bởi khối lượng công việc phải làm quá lớn, trong khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, bổ sung liên tục, gây nên nhiều bất cập trong xử lý, khiến người dân bức xúc.
Quận Hoàng Mai là quận mới thành lập (10 năm) với 14 phường hình thành từ 9 xã của huyện Thanh Trì và 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng. Là địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh với hơn 100 dự án GPMB nên cũng phát sinh nhiều đơn thư KNTC và kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Trong năm 2013, bộ phận tiếp công dân của quận đã nhận 918 KNTC và kiến nghị, đa số tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, hỗ trợ GPMB. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Mạnh Hoàng cho rằng, nguyên nhân gia tăng KNTC xuất phát từ tốc độ đô thị hóa, nhu cầu sử dụng đất tăng nhanh, trong khi nguồn gốc đất, quá trình sử dụng có nhiều biến động, phức tạp. Bên cạnh đó chính sách, pháp luật về đất đai, GPMB có nhiều thay đổi, có sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường, giữa giá bồi thường và giá bán nhà tái định cư. Thêm nữa, những dự án lớn, thời gian GPMB kéo dài, người hưởng chính sách sau được lợi hơn người hưởng chính sách trước, dẫn đến việc người dân bức xúc, khiếu kiện.
Không chỉ ở hai địa phương trên, các quận, huyện, thị xã khác như Sơn Tây, Thanh Oai, Hoài Đức… cũng có tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và GPMB. Mỗi địa phương cũng lại có tính chất phức tạp riêng, bởi giải quyết KNTC còn liên quan đến việc trả lời, giải quyết theo thẩm quyền của các cơ quan chức năng, nhất là trong trình tự giải quyết như lắng nghe, hòa giải, đối thoại trực tiếp…
Khiếu kiện càng kéo dài càng khó xử lý
Qua rà soát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và KNTC trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, vấn đề kiến nghị, đơn thư tăng, ngoài nguyên nhân là một số chính quyền cơ sở bao che, cấp đất sai thẩm quyền, chưa giải quyết thấu đáo trong chính sách GPMB, thì vẫn có vụ việc do chính quyền địa phương ra quyết định xử lý sai thẩm quyền, chính sách không nhất quán, khiến vụ việc kéo dài, khó giải quyết.
Vụ việc bà Hoàng Thị Thư (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) tranh chấp đất đai với cháu ruột là Ngọ Văn Vân ở cùng thôn được coi là vụ điển hình trong tồn đọng phức tạp kéo dài trên địa bàn, trong đó nguyên nhân kéo dài cũng do UBND huyện Sóc Sơn ra quyết định xử lý không đúng quy định của pháp luật. Để giải quyết vụ việc này, nhiều cuộc họp đã được tiến hành, kéo theo sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng của thành phố, nhưng nay vẫn bế tắc vì thiếu sự đồng nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Nguyên nhân là năm 2008, UBND huyện Sóc Sơn đã không khách quan khi ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, công nhận quyền sử dụng đất của hộ bà Hoàng Thị Thư. Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, quyết định của UBND huyện đã không tuân theo Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và không căn cứ vào Quyết định 23 của UBND TP Hà Nội về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Phải đến tháng 4-2013, UBND huyện Sóc Sơn mới ra quyết định hủy bỏ quyết định sai thẩm quyền trước đó, đồng thời giao cho xã Xuân Thu tổ chức hòa giải, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Thêm nữa, vụ việc cấp đất giãn dân không đúng đối tượng tại thị trấn Sóc Sơn từ năm 1997 đến nay cũng chưa có hồi kết. Thực hiện Quyết định 4612/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, UBND thị trấn Sóc Sơn và UBND huyện Sóc Sơn đã giao đất giãn dân cho 116 hộ gia đình, trong đó có 51 trường hợp không đúng đối tượng (rà soát đã có 12/51 hộ đã xây dựng nhà ở). UBND thành phố đã có thông báo yêu cầu UBND huyện thu hồi toàn bộ diện tích đất của các hộ giao không đúng đối tượng nhưng chưa xây nhà (39 hộ). Nhưng hiện nay, UBND huyện Sóc Sơn giải trình và đề xuất với UBND thành phố: "Nếu thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố thì ảnh hưởng quyền lợi của nhân dân…"!, đề nghị UBND thành phố giữ nguyên hiện trạng. Liệu đây có là sự đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm của UBND huyện Sóc Sơn?
Cùng với gia tăng KNTC về quản lý đất đai, GPMB, việc chính sách cơ chế liên tục thay đổi, trong khi cơ quan chức năng chậm tham mưu cho UBND thành phố hướng dẫn thực hiện, khiến nhân dân phải chạy lòng vòng cũng làm gia tăng kiến nghị. Đơn cử như Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định tại điều 27: "Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng nhà ở để bán; tổ chức giao, bán nhà, đất tái định cư; tổ chức bán nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp thay người mua nhà ở, người sử dụng đất một bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội". Sau khi kiểm tra hồ sơ đủ điều kiện, văn phòng đăng ký đất đai thành phố chuyển hồ sơ về UBND các quận, huyện, thị xã để cấp giấy chứng nhận. Thủ tục này rườm rà, mất nhiều thời gian, không thuận tiện cho người dân và tổ chức giao, bán nhà tái định cư. Khi người dân kiến nghị, tháng 4-2013 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 13/ 2013/QĐ-UBND thay thế Quyết định 117.
Từ thực tế nêu trên có thể thấy tình hình đơn thư KNTC và kiến nghị của nhân dân đã và đang diễn ra rất phức tạp. Chắc chắn trong thời gian tới, vấn đề này chưa thể chuyển biến ngay, trong khi đội ngũ CBCC làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết đơn thư cũng có không ít bất cập.