Chu Minh - Đã qua thời "ba chìm, bảy nổi"

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 06/03/2014

(HNM) - Vài năm trước, nhắc đến xã Chu Minh (huyện Ba Vì) là người ta nghĩ ngay đến miền đất của nhiều tệ nạn xã hội, những mảnh đời theo đuổi giấc mộng giàu sang từ nghề đi

Tan vỡ "giấc mộng vàng"

Vòng Dưới là một trong 3 xóm thuộc thôn Chu Quyến (xã Chu Minh) nằm ép mình bên bờ sông Hồng. Đứng trên đê Đại Hà phóng tầm mắt xa về phía dòng sông thì xóm Vòng Dưới có hình như một cánh buồm căng gió. Nhiều người nói: "Thế đất như vậy nên nhiều thế hệ người dân sống ở Vòng Dưới gắn bó với nghề sông nước cũng là hợp lẽ".

Nghề may gia công đang phát triển mạnh ở Chu Minh.


Đã nghe nhiều chuyện về Chu Minh nhưng lần này chúng tôi mới có dịp tìm hiểu về sự "lột xác" của vùng quê này. Chúng tôi tìm đến một cựu phu vàng, là ông Đỗ Đình Măng. Dường như những ký ức về "một thời máu lửa" vẫn quanh quất trong cuộc sống của ông cho đến tận bây giờ, ông Măng ưu tư: "Hàng chục năm trước, người dân ở đây có nghề "ngược sơn lưu", lần theo các dòng sông lên rừng mạn ngược ở Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang... khai thác, mua gỗ, vớt gỗ, vớt củi về xuôi bán. Ngày ấy thì nhà nhà buôn gỗ, người người buôn gỗ, bãi sông ở thôn Vòng Dưới như một "bến cảng", lúc nào cũng tấp nập người đi, kẻ đến". Đến những năm cuối 90 của thế kỷ trước thì Nhà nước đóng cửa rừng, việc vận chuyển, buôn bán gỗ là vi phạm pháp luật". Nghề "ngược sơn lưu" ở Chu Quyến "đứt gánh" đã mở ra một thời kỳ mới, người dân điên cuồng với giấc mộng vàng. Ông Đỗ Đình Măng kể lại: "Giữa lúc nhiều người không có việc làm thì bỗng dưng có người trong làng tìm thấy vàng ở nơi khác mang về. Người dân đồn đại khắp nơi, khát vọng làm giàu lại một lần nữa hừng hực cháy trong lòng mỗi người dân sông nước Chu Quyến".

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Chu Minh Phương Thị Việt Hoa, cao điểm của nghề đào đãi vàng bắt đầu từ năm 1994 và kéo dài đến năm 2010. Trong quãng thời gian này, nghề đào đãi vàng đã mang lại nhiều tiếng cười và nước mắt cho người dân nơi đây. Theo hồi ức kể lại của nhiều người thì có thời kỳ số lượng tàu thuyền đi đào đãi vàng của thôn Chu Quyến lên đến hàng trăm chiếc. Họ in dấu chân ở khắp nơi trên các dòng sông phía bắc, khi thì sông Hồng, sông Đà, rồi ngược sông Lô, sông Gâm, sông Đuống... Ngày ấy, nghề đào đãi vàng của người Chu Quyến nổi tiếng đến mức mà người ta phải thốt lên: "Người Chu Quyến đi đến đâu là ở đó có vàng!".

Tìm thấy vàng là câu chuyện có thật ở Chu Quyến, nhưng khi "có vàng lại để vàng rơi". Tâm sự đắng lòng của một người dân với chúng tôi là những phận người "ba chìm bảy nổi...": Cuộc sống lang bạt khắp nơi cộng với ít kiến thức nên chuyện sa ngã là khó tránh khỏi. Khi trúng mánh thì ăn chơi đua đòi, khi không trúng thì "ăn" vào cả máy móc, tiền đóng thuyền thì đi vay nợ, và chuyện vỡ nợ như thể đã nắm chắc". Theo lời các phu vàng "vang danh một thuở" thì họ đã tìm được "rất, rất nhiều vàng" nhưng sự thật là vàng vẫn chẳng thấy đâu, mà chỉ có một sự thật đau lòng là đói nghèo, nghiện ma túy, nhiễm HIV... đeo bám những xóm nghèo, những người dân lương thiện suốt nhiều năm qua.

Thoát "điểm nóng"

Ở xóm Vòng Dưới vẫn còn khoảng 7 chiếc thuyền đang neo đậu dọc sông Hồng, chúng nằm im lìm như muốn minh chứng một điều, nghề "đào đãi vàng" đã đi vào dĩ vãng. Ở ngay bến đò sang "xã đảo" Minh Châu, hôm chúng tôi đến có khoảng 6, 7 công nhân cùng với máy cưa sắt, máy cẩu, máy hàn... đang phá dỡ một con thuyền. Nấn ná hỏi chuyện, một người cho chúng tôi biết: Con thuyền này đã theo chủ hơn chục năm, đi tìm vàng ở khắp nơi, nhưng giờ thì nghề này không còn nữa, phải phá dỡ để đóng một con thuyền khác dùng chở hàng, còn lại bán sắt vụn được đồng nào hay đồng ấy". Một cán bộ công an xã đưa chúng tôi ra bãi, nói thêm: Những chiếc thuyền đang đậu ở bãi sông, xưa kia có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, giờ phá dỡ ra chắc được từ 70 đến 80 tấn sắt vụn bán cho đồng nát là hết.

Có một sự thật ở Chu Quyến là cũng có những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại, người ta nói đó là những phu vàng "trúng quả" nhưng biết chắt chiu, biết quý trọng sức lao động, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đề cập đến câu chuyện "giấc mộng tìm vàng" của người dân trong xã, Phó Chủ tịch Phương Thị Việt Hoa tư lự trong giây lát rồi nói đầy chua chát: Hơn chục năm trời, xã Chu Minh bị liệt vào "điểm nóng" của tỉnh Hà Tây cũ, rồi TP Hà Nội. Tai họa ập đến với nhiều gia đình, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Bây giờ thì những tháng ngày khó khăn chất chồng cũng đang dần qua, xã Chu Minh đã được đưa ra khỏi diện "điểm nóng". Có nhiều "phép màu" làm nên "điều kỳ diệu" này, trong đó quan trọng nhất là người dân đã nhận thức đầy đủ những hệ lụy ngày đêm rình rập - đã đến lúc phải khai tử nghề nguy hiểm này.

Qua những lời chia sẻ của vị Phó Chủ tịch xã vẫn thấy phảng phất một nỗi buồn khi đến thời điểm này vẫn còn 50 người nhiễm căn bệnh chết người HIV và hơn 40 người có liên quan đến ma túy, những con người một thời lầm lỡ này đã tham gia "Câu lạc bộ Đồng cảm". Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chị Nguyễn Thị Linh cho biết: "CLB thành lập tháng 7-2007, nhằm thu hút, động viên, chia sẻ, không kỳ thị, xa lánh những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người thân của họ. Cùng với các buổi sinh hoạt, thành viên CLB thường xuyên đến các gia đình có người nghiện đang cai tại nhà, người nhiễm HIV/AIDS bị ốm để thăm hỏi, động viên; đồng thời vận động bà con trong thôn, xóm quyên góp, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống”… Ngoài việc làm trên, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở xã Chu Minh đã tổ chức tuyên truyền, xây dựng tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng thôn, xóm văn hóa như lực lượng công an, lực lượng dân quân giữ gìn tốt an ninh trật tự, xóa tình trạng trộm cắp trong xóm làng; Hội Cựu chiến binh xây dựng các chi hội tự quản, phát động phong trào xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; Đoàn thanh niên xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh trong đoàn viên, thanh niên và thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, liên hoan văn hóa, văn nghệ...

Toan lo cuộc sống mới

Chu Minh bây giờ đã đàng hoàng hơn, bình yên trở lại và mới dần lên. Những phu vàng xưa, nay hầu hết đã chuyển nghề. Họ làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ buôn bán nhỏ, đi lao động nước ngoài... để kiếm kế sinh nhai một cách lương thiện và vững bền. Vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ngát và anh Đỗ Công Quý ở thôn Chu Quyến chúng tôi rất bất ngờ trước cơ ngơi nhà xưởng của anh chị. Chị Ngát nói: Nhận thấy nghề đào đãi vàng lợi ít, bạc bẽo thì nhiều, năm 2008 chồng tôi quyết định từ bỏ nghề về làm xưởng may. Thu nhập cũng ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình và quan trọng nhất là có được sự an toàn, không phải bươn bả ngược xuôi như trước... Xưởng may gia công của chị Ngát hiện đang có 40 công nhân là người trong thôn, làm việc liên tục và có thu nhập khá ổn định. Theo Phó Chủ tịch Phương Thị Việt Hoa, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 tổ hợp may như thế này và mỗi tổ hợp thu hút số lao động từ 30 đến 40 người. Song song với phát triển tiểu thủ công nghiệp, xã Chu Minh còn là một điểm sáng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp với các mô hình trồng rau màu, trồng nấm và chăn nuôi. Toàn bộ diện tích 160ha đất nông nghiệp được người dân trồng rau màu cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Xã cũng đã hoàn thành công tác dồn ruộng và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án trồng 21ha rau an toàn.

Một điều ý nghĩa nữa ở Chu Minh là công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm đẩy mạnh nên thế hệ trẻ đã vững tin thể hiện mình. Nếu như trước đây, có những bạn trẻ đang ở tuổi ăn, tuổi học phải bươn chải theo người thân đi tìm vàng, thì bây giờ đã được các bậc cha mẹ khuyến khích học tập để có nghề nghiệp ổn định. Xã đã xây dựng được Quỹ khuyến học với hơn 34 triệu đồng. Trong năm vừa qua, xã đã tuyên dương 339 học sinh có thành tích học tập tốt, trong đó có 25 em học sinh đỗ vào các trường đại học công lập, nhiều hơn hẳn những năm học trước. Đặc biệt, trong năm học 2012, em Trần Xuân Bách thi đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội với số điểm tuyệt đối 30/30. Có thể thấy, những gì thế hệ trẻ ở Chu Minh làm được đã, đang mang đến một hình ảnh mới và một tương lai tốt đẹp cho quê hương.

Nam Phong