Giải thưởng Cánh diều 2013: Không hứa hẹn bất ngờ!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:39, 05/03/2014

(HNM) - Lễ trao Giải Cánh diều 2013 (Hội Điện ảnh Việt Nam) sẽ diễn ra vào tối 15-3 tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Với tiêu chí đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực

Phim điện ảnh là một trong những dòng phim chủ đạo của màn ảnh Việt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 (diễn ra tại Quảng Ninh vào tháng 10 năm 2013), khán giả có phần thất vọng khi một liên hoan lớn mà chỉ có 23 bộ phim điện ảnh tham gia, chất lượng không cao. Đến Giải Cánh diều 2013, con số này còn ít ỏi hơn, chỉ có 13 phim tham dự gồm: "Những người viết huyền thoại", "Tèo em", "Săn đàn ông", "Và anh sẽ trở lại", "Sau ánh hào quang", "Thần tượng", "Hiệp sĩ guốc vông", "Âm mưu giày gót nhọn", "Cô dâu đại chiến phần 2", " Đường đua", "Tiền chùa", "Gác kiếm" và "Tía ơi".

Phim “Tèo em” tham dự Cánh diều 2013.



Thực tế, nhiều phim trong số này đã không nhận được sự đánh giá cao của khán giả cũng như giám khảo trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Trong khi đó, những cái tên mới và "nóng" thời gian qua như "Quả tim máu" của Victor Vũ gây "cháy" phòng vé hay "Nước" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh từng gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lại không góp mặt.

Với những cái tên còn lại tham dự mùa Giải Cánh diều năm nay, "Tèo em", tuy đạt doanh thu "khủng" (80 tỷ đồng), được dàn dựng khá đẹp mắt nhưng từng bị Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu sửa, sau khi ra rạp cũng bị phản ứng về độ "nhảm". Cũng có độ "khủng" về doanh thu (40 tỷ đồng sau 2 tuần chiếu Tết), nhưng nội dung của "Cô dâu đại chiến 2" cũng không có gì đặc sắc. Phim "Thần tượng" của những người lần đầu làm phim, từng nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và khán giả bởi những khung hình nên thơ song chất ca nhạc lại nổi hơn điện ảnh. Cái tên nổi bật nhất, đáp ứng đầy đủ nhất các tiêu chí của Giải Cánh diều năm nay ai cũng biết đó là "Những người viết huyền thoại". Bộ phim này thực sự sẽ là điểm nhấn cho Giải Cánh diều nếu như chưa từng tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 và giành tới 6 giải cao.

Ở thể loại phim truyền hình, các bộ phim có nội dung về tình yêu chiếm ưu thế với "Hoa nở trái mùa", "Ván bài tình yêu", "Khi yêu đừng hỏi tại sao", "Chạm tay vào nỗi nhớ"… Phim truyền hình về đề tài lịch sử, xã hội tham gia Cánh diều vẫn thưa thớt, trong đó "Trò đời" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng là tác phẩm được kỳ vọng bậc nhất. Vì thế, kết quả của mùa Giải Cánh diều năm nay sẽ không quá khó đoán với nhiều người.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng BTC cho biết: "Trước mùa giải, Hội Điện ảnh đã gửi thư mời đến tất cả hãng phim, nhà sản xuất. Tiếc là nhiều hãng phim đã từ chối vì lý do nội dung phim của họ không phù hợp với các tiêu chí đặt ra, hoặc còn đang khai thác ở rạp nên chưa thể dự giải". Về lễ trao giải, NSƯT Đỗ Thanh Hải, đạo diễn lễ trao giải giải thích: "Kinh phí eo hẹp khiến BTC không có điều kiện dàn dựng chương trình theo ý muốn. Tuy nhiên, lễ trao giải thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào chất lượng các phim tham dự chứ không phải là khâu dàn dựng".

Là nói vậy, nhưng rõ ràng một giải thưởng mang tính nghề nghiệp của giới điện ảnh Việt Nam mà chất lượng phim đã không nổi bật, khâu tổ chức lại quá đơn giản thì quả là không khỏi băn khăn!

Hòa An