Bán đảo Triều Tiên lại “nóng”

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 05/03/2014

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên lại leo thang sau vụ Triều Tiên bắn hai tên lửa tầm ngắn về phía vùng biển ngoài khơi phía Đông nước này vào ngày 3-3.


Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tuần Bình Nhưỡng liên tiếp bắn thử tên lửa. Ngày 27-2 Triều Tiên bắn 4 tên lửa tầm ngắn được cho là nhằm vào biển Nhật Bản để trả đũa các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn Quốc đang diễn ra tại Hàn Quốc.

Tên lửa Triều Tiên trong một buổi diễu binh thể hiện sức mạnh quân sự.



Dù không lên tiếng khẳng định nhưng với việc các tên lửa rời bệ phóng, Bình Nhưỡng muốn bày tỏ sự phản đối trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn giả định trên máy tính mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" (diễn ra từ ngày 24-2 đến 18-4) tại Hàn Quốc. Bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng - dù lời lẽ không quyết liệt như các năm trước - các cuộc tập trận chung thường niên từng gây nhiều tranh cãi này vẫn diễn ra. Đặc biệt, là vào thời điểm hết sức nhạy cảm với cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên lần đầu tiên được thực hiện trong 3 năm qua và vừa kết thúc trong nước mắt. Đây được xem là một nhượng bộ hiếm hoi của Triều Tiên khi cho phép công dân tham gia cuộc đoàn tụ với các công dân Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, ngày 4-3, Triều Tiên đã bắn 7 tên lửa tầm ngắn từ vùng bờ biển phía Đông nước này. Trong đó, 4 tên lửa được bắn từ khu vực Wonsan, ven biển Đông nam Triều Tiên. Dàn phóng tên lửa mới của Triều Tiên mà quân đội Hàn Quốc gọi là KN-09 được cho là đã thực hiện vụ phóng. Trước đó, khoảng 6h sáng cùng ngày, 3 tên lửa tầm ngắn đã rời bệ phóng từ cùng địa điểm ra vùng biển phía Đông Triều Tiên.

Không chỉ dừng lại ở những tình huống giả định trên máy tính, việc tàu ngầm hạt nhân USS Columbus (SSN - 762) cùng tàu chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ USS Blue Ridge (LCC-19) cùng xuất hiện tại cảng Busan (Hàn Quốc) đã khiến Bình Nhưỡng không thể "đứng nhìn". Đặc biệt sau khi có thông tin rằng, quân đội Mỹ sẽ mở cuộc tập trận hải quân và diễn tập đổ bộ với lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến của Hàn Quốc, là một phần trong các biện pháp răn đe đối với Triều Tiên.

Sự kiện Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm ngắn trước cuộc thao luyện quân sự Mỹ - Hàn Quốc không phải là điều mới lạ. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, hành động của Bình Nhưỡng chưa đủ "nóng" để đưa Bán đảo Triều Tiên vào một cuộc đối đầu mới trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng Hàn Quốc để thu hút viện trợ cũng như đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến khác cho rằng, những tên lửa vừa được Triều Tiên phóng thử không nhằm vào mục tiêu quân sự của Mỹ cũng như Hàn Quốc nên không thể gọi là các hành động khiêu khích. Đây chỉ là một cố gắng nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trước các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ đang bị đình trệ.

Không đồng ý với các nhận định trên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min - seok trong một phát biểu mới nhất đã gọi các vụ bắn tên lửa này là động thái khiêu khích có chủ đích của Triều Tiên nhằm đáp trả cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Cùng với tuyên bố phản đối hành động của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết số 1718 và 1874 của Liên hợp quốc cấm nước này không được phóng bất cứ một loại tên lửa đạn đạo nào (bao gồm tất cả các loại tên lửa Scud). Các nghị quyết trên đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2006 và năm 2009 sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Một trong những mong muốn của nữ Tổng thống Park Geun - hye khi lên nhậm chức cách đây hơn một năm là nỗ lực tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Trong một phát biểu gần đây, bà Park Geun - hye tiếp tục khẳng định quyết tâm của Hàn Quốc khi nhấn mạnh hai miền Triều Tiên có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho việc tái thống nhất nếu Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và thay thế bằng lòng tin của cộng đồng quốc tế cũng như thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong những ngày gần đây cho thấy, cải thiện quan hệ liên Triều hay tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có trở thành hiện thực hay không đang phụ thuộc nhiều không chỉ vào nỗ lực của các bên liên quan, mà còn xuất phát từ chính lợi ích của hai đối tác trên bán đảo này là Hàn Quốc và Triều Tiên.

Đình Hiệp